Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để bé phát triển toàn diện và tăng cường miễn dịch khi còn nhỏ. Nhiều mẹ lo lắng sữa mẹ loãng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Vậy sữa mẹ bị loãng phải làm sao và nên ăn gì cho đặc?
Sữa mẹ loãng là như thế nào?
Sữa mẹ là một hỗn hợp gồm đầy đủ các thành phần như: đạm, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất và nước, để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ trong 6 tháng đầu đời mà không cần bổ sung thêm bất kỳ thực phẩm nào khác.
Trong thành phần sữa mẹ, nước chiếm khoảng 90%. Khi tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng trong sữa ít, đặc biệt là hàm lượng chất béo, đạm, và carbohydrate thấp có nghĩa là sữa mẹ bị loãng. Thành phần dinh dưỡng còn phụ thuộc vào sữa đầu sữa cuối, các thời điểm khác nhau trong một ngày cũng sẽ khác nhau, và còn bị tác động bởi chế độ ăn của mẹ, sự chuyển hóa chất sinh dưỡng từ cơ thể mẹ sang sữa, cũng như một số yếu tố khác.
Cách nhận biết sữa mẹ bị loãng hay đặc
Sữa mẹ có 2 dạng gồm sữa đầu và sữa cuối:
Sữa đầu:
Sữa đầu của mẹ là phần sữa được tiết ra trong khoảng 10 phút đầu vào giai đoạn cho con bú. Sữa đầu thường trong và loãng như nước vo gạo, tuy nhiên, sữa đầu vẫn đảm bảo chứa đầy chất dinh dưỡng như đạm, vitamin, khoáng chất, nước để cho bé bú.
Sữa cuối:
Sữa cuối là sữa được tiết ra vào giai đoạn giữa và giai đoạn cuối khi cho bé bú. Lúc này, sữa mẹ vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và có thêm nhiều chất béo, chất đạm nên sữa trở nên đặc hơn và có màu hơi vàng. Đây chính là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng giúp bé phát triển khỏe mạnh.
Tại sao sữa mẹ bị loãng
Sữa non chỉ tồn tại vài ngày sau khi mẹ sinh em bé. Sữa non rất đặc, dính và là sữa chứa nhiều dưỡng chất quý giá nhất.
Sữa trưởng thành là sữa tiết ra sau sữa non, sữa này trắng hơn và loãng hơn. Trong sữa trưởng thành, người ta lại chia thành sữa đầu cữ bú và sữa cuối cữ bú, trong đó sữa đầu thường trong và chứa nhiều nước còn sữa cuối thì đặc, có màu trắng đục, béo ngậy hơn.
Nhiều mẹ thấy sữa đầu tiết ra trong quá nên nhầm tưởng là sữa bị loãng và dùng tay vắt bỏ. Tuy nhiên việc làm này đã vô tình làm lãng phí đi nguồn sữa quý giá. Trong sữa đầu vẫn chứa các chất dinh dưỡng cần thiết và đặc biệt là có nhiều nước để giải tỏa cơn khát của trẻ. Bởi vậy trong suốt thời gian bú mẹ, trẻ không cần thiết phải uống nước hoặc ăn thức ăn dặm ở bên ngoài.
Sữa mẹ loãng có tốt không?
Sữa mẹ bị loãng là hiện tượng thường gặp ở mẹ sau sinh và nhiều mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng, vì không biết liệu sữa loãng và trong có đảm bảo cung cấp dưỡng chất đầy đủ cho bé không?
Trên thực tế, việc sữa mẹ bị loãng không hề ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ, vì cơ bản hầu hết tất cả sữa của mọi bà mẹ đều có các thành phần dinh dưỡng như nhau. Chỉ tồn tại vấn đề mẹ sữa nhiều hay sữa ít thôi chứ không có việc sữa mẹ không đủ chất.
Lượng sữa tiết ra nhiều hay ít còn phụ thuộc vào lượng chất dinh dưỡng mẹ hấp thụ trong mỗi bữa ăn. Có thể, thời gian đầu sữa mẹ còn ít. Sau đó, do bé bú nhiều lần mà sữa được tiết ra theo thói quen bú của trẻ.
Các mẹ nên căn cứ vào màu sắc, lượng sữa tiết ra và tình trạng cơ địa của bản thân để đánh giá chất lượng sữa mẹ. Bên cạnh đó, chất lượng của sữa mẹ có thể bị suy giảm nếu người mẹ bị bệnh hay ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Vậy nên không thể nói sữa mẹ loãng có tốt không, vì mỗi loại sữa đều có vai trò riêng của nó.
Sữa mẹ bị loãng phải làm sao
- Xây dựng bữa ăn khoa học và đầy đủ dinh dưỡng
Một chế độ ăn đầy đủ và cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết: chất đạm, tinh bột, chất béo, nhóm xơ vitamin và khoáng chất.
Thay đổi thực đơn hàng ngày, đa dạng các món và cách chế biến để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và mẹ cảm thấy ngon miệng hơn.
- Tránh các loại đồ ăn gây mất sữa, ít sữa làm sữa mẹ bị loãng.
Lá lốt, măng, bạc hà, rau mùi ta, mùi tàu, rau răm… Trong 3 tháng đầu mẹ cũng nên hạn chế các đồ ăn có tính hàn, tanh: cua, ốc, mướp đắng, rau họ cải,…
Không nên ăn uống các loại thực phẩm có chứa chất kích thích cafein, đồ uống có ga, có cồn, vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến sữa.
Muốn sữa mẹ nhiều và đảm bảo chất lượng thì mẹ cho con bú nên uống đủ 2-3 lít nước một ngày. Các mẹ có thể sử dụng nước chè vằng, nước gạo lứt rang, hay nước vối thay nước lọc hàng ngày cũng rất tốt.
- Cho con bú thường xuyên và bú đúng cách
Thông thường, khi tuyến sữa mẹ hoạt động tốt và bé bú mẹ hiệu quả, sữa sẽ sản xuất vừa đủ để đáp ứng nhu cầu của bé và chất lượng sữa mẹ luôn đảm bảo.
Bé bú mẹ hiệu quả chính là cách để giúp sữa mẹ tiết ra nhiều hơn và đặc hơn. Các mẹ nên thường xuyên cho bé bú và bú đúng cách để duy trì nguồn sữa.
Thời gian bú: Một bữa bú khoảng 15- 20 phút. Cho con bú đến khi bé tự nhả vú ra. Nên để bé bú từng bên một, hết bên này mới chuyển sang bên kia để bé nhận được dòng sữa cuối đầy đủ nguồn chất béo
Tư thế bú đúng: Mẹ ngồi hay nằm trong một tư thế thoải mái và lưng được tựa vững vàng, bế bé sát vào lòng sao cho đầu và thân mình bé thẳng để bé được thoải mái, bú được lâu hơn. Thân bé áp sát vào mẹ, mặt bé quay vào vú mẹ, bé bú đúng khớp ngậm sao cho miệng bé ngậm cả quầng vú của mẹ.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và vận động nhẹ nhàng
Mẹ sau sinh cần nghỉ ngơi đầy đủ và tránh làm việc nặng để có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Một cơ thể khỏe mạnh thì mới đảm bảo để đủ sức khỏe chăm bé, cho bé bú, đồng thời tuyến sữa mẹ mới có thể hoạt động tốt cho chất lượng sữa mẹ đặc mát.
Một phần quan trọng trong chế độ nghỉ ngơi, chính là luôn luôn duy trì tinh thần thoải mái. Khi mẹ căng thẳng, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến sữa, sữa tiết ít đi cũng làm sữa mẹ bị loãng.
Một lưu ý nữa cho các mẹ chính là căng thẳng lo lắng cũng có thể là nguyên nhân khiến các mẹ tăng cân. Chính vì vậy hãy luôn duy trì một tinh thần thoải mái, tranh thủ nghỉ ngơi những lúc bé ngủ để luôn duy trì được nguồn sữa mẹ dồi dào và đặc mát.
Sữa mẹ loãng ăn gì cho đặc
Theo kinh nghiệm dân gian, những thực phẩm sau đây sẽ giúp các mẹ có nguồn sữa đậm đặc và thơm ngon hơn:
- Cháo móng giò, chân dê và đu đủ
- Rau ngót, rau khoai lang, quả sung, rau đay
- Chuối sứ, hạt bí
- Nước chè vằng, nước nụ hoặc lá vối, nước lá thìa là, nước gạo lứt, nước lá mít, nước lá đinh lăng, nước gạo tẻ + gạo nếp + hạt sen, nước đậu đỏ, nước vừng đen.
Mẹ đừng quá lo lắng về tình trạng sữa mẹ bị loãng vì dù loãng hay đặc sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất cho con. Mẹ chỉ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mẹ và cho bé bú đúng cách là sẽ nâng cao được chất lượng sữa!