Đảng sâm

Thu gọn
Mục lục

Ông cha ta qua bao đời nay đã tìm hiểu và kiểm nghiệm rất nhiều bài thuốc Đông Y quý hiếm. Nhờ đó mà Y học cổ truyền ngày một phát triển và lưu truyền đến hiện tại. Trong đó Đảng sâm là một vị thuốc nổi bật với giá trị dược liệu mang lại rất cao cho sức khỏe con người. Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu về vị thuốc Đảng sâm đến người đọc cùng những biện pháp sử dụng chúng hiệu quả nhất.

Đẳng sâm là cây gì?

Đẳng sâm hay còn được gọi bằng các tên khác như Đảng sâm, Phòng đảng sâm, Sâm leo,, Lộ đảng sâm, xuyên đảng sâm, rầy cáy, mần cáy..

Nhờ vào giá trị lợi ích sức khỏe cao mà giá thành lại vừa phải, đảng sâm còn được biết đến như loại Nhân sâm của người nghèo.

Đây là cây thuộc họ Hoa chuông- Campanulaceae với tên khoa học là Codonopsis pilosula.

Đặc điểm cây Đẳng sâm

Đẳng sâm là thực vật thân cỏ dạng quấn leo vào các thực vật khác. Thân cây có màu tím, bề mặt có các lông tơ trắng mọc thưa. 

Lá cây Đẳng sâm có hình tim, đuối lá nhọn, mọc đối, so le nhau trên thân cây. Mặt trên lá màu xanh ngả vàng có lớp lông nhung mịn, mặt dưới màu trắng xám.

Hoa có màu xanh nhạt mọc đơn ở các kẽ nách lá, cuống dài từ 2-6cm. Đài hoa hình chuông chứa 5 cánh hoa với vân màu tím. Khi sắp rụng thì hoa chuyển sang màu vàng nhạt.

Cây cho quả nang, hình cầu, không quá lớn. Đài quả ngắn. Quả Đẳng sâm khi chín có màu tím tự nứt lộ hạt bên trong màu vàng nâu, vỏ nhẵn bóng.

Dược liệu Đẳng sâm là rễ củ của cây thuốc này. Rễ cây có dạng hình trụ, thon dần về phía phần đuôi rễ, có khi phân thành các nhánh. Vỏ thân thường có màu vàng nâu, có các rãnh dọc ngang. Phần thịt màu trắng ngà với mùi thơm vị ngọt thanh.

Quả Ðảng sâm ăn được, rễ có thể ăn sống nhưng chủ yếu để làm thuốc chữa bệnh, ngọn và lá non có thể dùng để chế biến thành thức ăn.

Hình thức sinh thái

Đẳng sâm là thực vật ưa môi trường đất cát, nhiều mùn và phát triển mạnh trong bóng râm.

Cây là thực vật thân dây leo nên khi trồng với mục đích làm dược liệu thì nên làm giàn cao tầm 2m để cây có thể phát triển mạnh.

Phân bố

Đảng sâm rất dễ sống, mọc hoang rất nhiều ngoài tự nhiên. Dược liệu này trồng nhiều tại các tỉnh Trung Quốc như: Sơn Tây, Tứ Xuyên, Cam Túc, Hắc Long Giang, Quý Châu, Thanh Hải, Hồ Bắc,..

Cho đến tận những năm 1960 thì ở Việt Nam vẫn dùng dược liệu này chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Khoảng thời gian từ 1961 đến 1985 viện Dược liệu nước ta đã nghiên cứu và phát hiện dược liệu này Đẳng sâm đã có mặt tại nhiều địa phương trên cả nước và đặc biệt phổ biến ở các chỗ trống, ven các rừng thứ sinh, bụi rậm, các trảng savan có độ cao 900-2.200m. Có thể kể đến vùng núi phía Bắc nước ta như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Giang,... và một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên.

Bộ phận sử dụng

Phần thân rễ của cây Đẳng sâm được sử dụng làm dược liệu. Bộ phận này được phân thành 4 loại chính phụ thuộc vào chất lượng và hình dạng của rễ cây:

  • Tây đẳng sâm: chất khô, nhiều đường, phần đầu và đuôi đều tròn, màu vàng hoặc xám. Thịt rễ màu xám vàng, vân tròn dạng phóng xạ, đường kính từ 13mm trở lên, không chứa lẫn rễ con.
  • Đông đẳng sâm: chất khô, ít đường, đầu và đuôi tròn, ít nếp nhăn. Vỏ rễ màu nâu xám, thịt trắng vàng, ít vân tròn. Rễ này có đường kính từ 10mm trở lên, không bị sâu mọt, biến chất, không có dầu tiết.
  • Lộ đẳng sâm: Chất khô mềm, nhiều đường, dạng dài. Vỏ rễ mang màu vàng hoặc xám nhạt, thịt màu vàng nâu, đường kính trên 10mm, không sâu mọt, không dầu tiết, không bị biến chất.
  • Điều đẳng sâm: Chất khô, có chứa chất đường, hình trụ tròn. Vỏ rễ màu vàng, thịt trắng hoặc hơi ngả vàng, đường kính từ 12mm trở lên, không chứa dầu, không mọt, không biến chất.

Thành phần hoá học

Các nghiên cứu về thành phần hoá học của rễ Đẳng sâm cho thấy lượng cao chiết cồn được phân lập với 3 hợp chất có cấu trúc hoá học lần lượt là β-sitosterol, 2′-hydroxy-N-((E, 2R)-1,3,4- trihydroxy octadec-8-en-2-yl) hexadecanamide , α-spinasterol 3-O-β-D-glucopyranoside.

Trung Quốc nghiên cứu dược liệu  chỉ ra rằng trong Đẳng sâm có chứa một lượng chất saponin và đường.

Trong lá cây Ðảng sâm non có chứa các chất caroten 3,6mg%, protid, glucid, vitamin C 85,5mg%. 

Thu hái

Thời điểm thích hợp để thu hoạch dược liệu là vào mùa đông hoặc mùa xuân. Đấy là khoảng thời gian cây rụng lá hoặc chưa kịp đâm chồi nảy lộc. Lúc này các dưỡng chất tập trung nhiều vào phần rễ củ, dược tính đảm bảo hiệu quả nhất.

Vì rễ Đẳng sâm khá dài, thường từ 0.5 đến 1m nên khi thu hái Đảng sâm cần chú ý các thao tác cần đào sâu, kĩ, cẩn thận để lấy được hết toàn bộ phần rễ củ và tránh làm mất dược tính của thảo dược.

Sơ chế

Sau khi thu lượm cần rửa sạch loại bỏ đất cát. Phân loại các rễ to và rễ nhỏ riêng biệt. Sau đó đem phơi khô cho đến khi rễ không bị gãy, không còn giòn.

Bảo quản 

Người ta thường trữ dược liệu Đẳng sâm bằng cách xâu thành chuỗi hoặc bó thành từng bó treo lên tại nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt.

Chế biến

Dược liệu này có nhiều cách chế biến, bài viết này sẽ giới thiệu 2 cách bào chế phổ biến:

Chế biến dược liệu Đẳng sâm theo cách Trung Quốc:

Sau bước sơ chế thì lăn se dược liệu sao cho phần vỏ dính chắc vào thịt. Khi sử dụng chữa bệnh thì sao cho vàng lớp vỏ cùng cám hoặc đất hoàng thổ.

Chế biến dược liệu Đẳng sâm theo cách Việt Nam:

Sau bước sơ chế thì ủ với nước một đêm cho đến khi thấy hiện tượng bốc hơi ở thảo dược là đạt. Tiếp tục bào mỏng thành các lát mỏng rồi tẩm với nước gừng. Sau cùng thì sao dược liệu lên để dùng.

Đảng sâm có tác dụng gì?

Theo Y học cổ truyền:

Đẳng sâm giúp bổ phế và tỳ, làm mát gan, tiêu độc.

Người ta hay dùng dược liệu này thay cho nhân sâm để trị tỳ hư, suy nhược, mệt mỏi, tay chân không có lực, phế hư sinh ho lâu ngày.

Theo Y học hiện đại:

Người ta đã đúc kết ra những tác dụng sau của Đẳng sâm đối với sức khoẻ con người như:

  • Đẳng sâm giúp bồi bổ và tăng cường sức khoẻ

Nhờ hàm lượng vitamin và khoáng chất lớn cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết giúp các hoạt động chức năng tốt hơn.

  • Đẳng sâm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng

Các thành phần trong Đẳng sâm sẽ ngăn ngừa các virus gây bệnh đồng thời giúp cơ thể thích nghi với sự ảnh hưởng do thay đổi môi trường dễ dàng hơn.

  • Đẳng sâm hỗ trợ hệ tuần hoàn hoạt động hiệu quả

Đẳng sâm chứa một lượng saponin dồi dào với công dụng ngăn ngừa các tác động xấu từ cholesterol trên hệ tuần hoàn. Từ đó, giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh lý ở hệ tuần hoàn như máu nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

Thêm vào đó, Đẳng sâm còn biết đến với công dụng bổ huyết, sinh huyết, nâng cao đường huyết, điều hoà nhịp tim, lưu thông khí huyết hiệu quả.

  • Đẳng sâm tốt cho hệ tiêu hoá

Các thành phần dinh dưỡng có trong dược liệu hỗ trợ hệ tiêu hoá hoạt động khoẻ mạnh, giảm các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, hội chứng ruột kích thích,..

  • Đẳng sâm giúp kháng viêm tiêu độc

Dùng Đẳng sâm sẽ giúp các vết thương mau lành và ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh như não mô cầu khuẩn, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn lao, tụ khuẩn cầu vàng, trực khuẩn bạch cầu...

Vị thuốc đảng sâm

Tính vị, Quy kinh

Trong các ghi chép cổ thì Đẳng sâm được đề cập với Tính vị là vị ngọt, tính bình. Dược liệu này quy vào các kinh tỳ và phế.

Đối tượng sử dụng đẳng sâm

Với các tác dụng tích cực của Đẳng sâm với cơ thể đã nêu ở trên thì những đối tượng được khuyến khích sử dụng vị thuốc này để nâng cao sức khỏe bao gồm:

  • Người có triệu chứng mất ngủ lâu ngày.
  • Người suy nhược cơ thể, mới ốm dậy, cơ thể gầy yếu.
  • Đối tượng chán ăn, ăn không ngon.
  • Người hệ tiêu hoá hoạt động kém, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém.
  • Người cần bồi bổ sức khoẻ.
  • Người muốn tăng cường chức năng tuần hoàn.

Bài thuốc ứng dụng đẳng sâm 

Các bài thuốc được ứng dụng từ dược liệu Đẳng sâm được sử dụng phổ biến trong dân gian như:

Bài thuốc Thập toàn đại bổ:

Công dụng:  trị mụn nhọt lở loét không liền, phụ nữ rong kinh, rong huyết, nam giới di tinh, người chân gối mất sức, hư lao, ho, khí huyết bất túc.

Chuẩn bị: 12g mỗi loại đẳng sâm, đương quy, hoàng kỳ, bạch linh, bạch thược, bạch truật, thục địa; 4g nhục quế, 8g xuyên khung, 6g cam thảo chích.

Cách làm: Sắc nhỏ lửa các dược liệu trên cho đến khi gần cạn nước. Chia ra ngày uống 2 lần.

Bài thuốc: Bổ trung ích khí thang.

Công dụng: Bổ tỳ vị, thăng dương, ích khí.

Chuẩn bị: 12-16g Đẳng sâm, 20g Hoàng kỳ, 12g Đương quy, 4g Chích thảo, 2-6g Thăng ma, Trần bì mỗi vị, 6-10g Sài hồ.

Cách làm: Đun nhỏ lửa các vị thuốc trên cho đến khi thuốc sắc đặc lại. Lấy nước thuốc chia uống 2-3 lần/ngày.

Bài thuốc: Sâm linh bạch truật tán.

Công dụng: Ích khí kiện tỳ, thẩm thấp chỉ tả.

Chuẩn bị: 12g mỗi vị Đẳng sâm, Bạch linh, Bạch truật, Chích cam thảo, Hoài sơn; 10-12g mỗi vị Bạch biển đậu, Liên nhục, Ý dĩ; 6-8g mỗi vị Cát cánh, sa nhân, 600ml nước.

Cách làm: Sắc các dược liệu trên cho đến khi nước cạn còn 200ml thì chia làm 2 lần uống, uống khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc trị vàng da:

Chuẩn bị: 12g mỗi vị Đẳng sâm, Hạ khô thảo, Mã đề, 30g Nhân trần, 600ml nước.

Cách làm: Sắc các dược liệu trên cho đến khi nước cạn còn 200ml thì chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

Đẳng sâm ngâm rượu

Chuẩn bị: Dùng đẳng sâm tươi hay đẳng sâm khô ngâm rượu đều được.

Cứ 1kg đẳng sâm thì ngâm cùng 3 lít rượu trắng nồng độ dao động 40 đến 42 độ.

Cách làm: Xếp dược liệu vào bình rồi cho một ít rượu, lắc đều để lọc hết bụi bẩn thì chắt bỏ lượng rượu đó đi. Sau đó cho rượu vào với tỷ lệ trên. Đậy kín bình, đặt nơi khô ráo. Sau 30 ngày là có thể sử dụng được.

Công dụng: Bồi bổ và tăng cường sức khỏe.

Những điều lưu ý khi sử dụng Đẳng sâm

Dù là loại dược liệu có công dụng tuyệt vời thế nào chăng nữa thì cũng sẽ có vài điều cần kiêng kỵ khi sử dụng. 

Với Đẳng sâm thì không được dùng cùng với vị thuốc Lê lô. 

Đồng thời không nên dùng với liều lượng quá lớn gây các tác dụng phụ không tốt với cơ thể. Tốt nhất là người dùng cần tham khảo ý kiến của các y bác sĩ và những người có chuyên môn để sử dụng dược liệu một cách hiệu quả nhất.

 

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo