Thông thảo

Thu gọn
Mục lục

Cây Thông thảo là loại thảo dược quý đã được người xưa sử dụng để bổ trợ cho sức khỏe và có tác dụng lợi sữa cho mẹ sau sinh, giúp giải độc cơ thể.

Những đặc điểm của cây thông thảo

Tên gọi, phân nhóm

Tên thường gọi khác: Thông thoát mộc
Tên khoa học: Tetrapanax papyriferus được K. Koch miêu tả khoa học đầu tiên vào năm 1859

Họ khoa học: Araliaceae- họ ngũ gia bì

Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Thông thảo là cây gỗ có chiều cao từ 2 đến 6m. Thân cây khá cứng và giòn, bên trong lớp vỏ là lõi xốp màu trắng. 

Lá cây khá to và được phân thành nhiều thuỳ chân vịt, xẻ khá sâu, viền lá có chứa răng cưa thô to nhỏ tùy thuộc vào độ lớn của lá cây, gân nổi ở cả hai mặt lá. Lá non thì được phủ một lớp lông mềm còn lá già thì khá nhẵn. Cuống lá dài khoảng 30cm và có gai.

 Thông thảo có hoa mọc thành hình tán, có lông và tụ lại thành chuỳ. Hoa màu trắng, có 4 cánh, khoảng 1cm mọc vào tháng 5-6 . Quả thông thảo dài 13-18mm, hình cầu dẹt, màu tía đen và có 8 cạnh mọc vào tháng 7-9.

Phân bổ

Cây thông thảo mọc hoang tự nhiên ở các vùng rừng núi ẩm mát như Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và vùng phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên loài cây này hiện nay lại khá hiếm. Thông thảo thường được trồng theo 2 cách là chia gốc hoặc gieo hạt.

Do ngày một khan hiếm nên loài cây thông thảo đã được ghi tại Sách đỏ của Việt Nam vào năm 1996 với cấp đánh giá bị đe doạ (T)  với phân hạng  EN A1a,d

Biện pháp để bảo vệ được xác định như sau: Cần có kế hoạch khảo sát lại ở vùng Sìn Hồ (Lai Châu), trước mắt cần bảo vệ một đám cây mọc tương đối tập trung tại xã  Hầu Thào (Sapa-Lào Cai). Thu thập (cây chồi rễ) về trồng bảo tồn ngoại vi (Ex situ) tại Vườn thuốc Sapa (Viện Dược liệu). Nghiên cứu về khả năng nhân giống bằng hạt.

Thành phần hoá học

Trong thông thảo có chứa các thành phần hoá học chính là inositol, acid galacturonic, lactose và polysaccharide.

Lõi cây thông thảo là phần dược liệu chứa nhiều công dụng nhất. Theo một vài nghiên cứu thì thành phần hoá học của phần lõi này gồm các chất sau:

  • Protein: thúc đẩy quá trình hình thành và duy trì năng lượng của các tế bào trong cơ thể.
  • Chất béo hoà tan: là nguồn dự trữ và cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể, hỗ trợ hấp thụ các dưỡng chất.
  • Chất xơ: giúp hệ tiêu hoá hoạt động hiệu quả hơn, giảm lượng cholesterol trong máu.
  • Vitamin B8 (Inositol) cực kỳ có lợi cho sức khỏe tâm thần và tăng cường khả năng đào thải gan.

Tác dụng dược lý của cây thông thảo

Tính vị

Thông thảo là vị thuốc có tính hơi hàn, vị ngọt nhạt và không chứa độc tính

Quy kinh

Vị thuốc thông thảo quy kinh tại:

Ngũ tạng: Phế

Lục phủ: Vị

Công dụng

Theo y học cổ truyền, mỗi bộ phận của cây thông thảo đều đem lại những lợi ích khác nhau cho cơ thể. Cụ thể:

Phần lõi cây chủ yếu giúp thanh nhiệt giải độc cho cơ thể, lợi niệu, thông khí hạ nhũ, trấn khái, tỳ lạnh mắt mờ.

Phần rễ cây có tác dụng hành khí, tiêu thực, thúc sữa và khơi thông tuyến sữa.

Nụ hoa cây thông thảo thường được dùng để trị chứng âm nang trễ xuống ở đàn ông.

Từ những đặc tính trên thông thảo thường được ứng dụng để điều trị những triệu chứng và các bệnh lý như ho, tăng cường điều tiết sữa của mẹ sau sinh hoặc giải khát. Ở Trung Quốc, người ta còn sử dụng thông thảo như dược liệu để chữa trị các bệnh như bệnh lậu, đái buốt, đái đỏ, tắc mũi, trướng bụng, thuỷ lũng, bệnh lâm...
Theo y học hiện đại, từ một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Hàn Quốc về cây thảo dược thông thảo đã phát hiện ra khả năng điều trị ung thư cực tốt của cây. Ngày 30 tháng 9 năm 2010 hiệp hội phòng chống ung thư Hàn Quốc đã công bố kết quả của công trình nghiên cứu này về khả năng chống ung thư của chiết xuất dược liệu từ cây thông thảo.

Khi tiến hành thực nghiệm nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu khoa học đã sử dụng chiết xuất methanol từ cây thông thảo tetrapanax paccorifirus để đánh giá tính thực dụng của chúng trong việc chống ung thư trên các tế bào ung thư ruột kết HT-29. Có xét nghiệm chỉ ra rằng điều trị bằng chiết xuất nói trên ở mức nồng độ 500g/ml sẽ đem lại 39,4% khả năng sống sót của tế bào. Ngoài ra còn cho thấy hoạt động chống ung thư rất mạnh của chiết xuất từ cây thông thảo đã hạn chế sự hình thành khuẩn lạc ở nồng độ chiết xuất lớn hơn 10Ռg/ml.

Từ tất cả các kết quả kiểm nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận khẳng định được công dụng tuyệt vời của cây thông thảo tetrapanax paccorifirus trong việc gây độc tế bào ung thư và có đặc tính chống ung thư cực mạnh.

Sử dụng thông thảo như thế nào?

Bộ phận sử dụng

Lõi từ thân cây hoặc rễ và nụ hoa của Thông thảo thường được sử dụng thành dược liệu.

Cách thu hái

Cây thông thảo thường được thu hoạch sau thời gian trồng từ 2 đến 3 năm, thời gian thích hợp là vào tháng 9 đến tháng 11. 

Cách bào chế

Người ta thường chặt lấy thân cây rồi chia thành từng đoạn dài khoảng 30-50cm rồi phơi khô chứ không sấy để tránh làm biến chất hoặc giảm hiệu quả của dược liệu. Thu lõi cây thông thảo bằng cách dùng một cây gậy gỗ thân tròn rỗng trong đường kính bằng lõi cây thân thảo để đẩy lõi ra ngoài. 

Khi sử dụng thì thái lõi thành các lát mỏng.

Cách bảo quản

Bảo quản thông thảo tại nơi khô thoáng.

Các bài thuốc chữa bệnh từ thông thảo

Thông thảo thường được dân gian dùng chữa các bệnh sau:

Lợi sữa, hành khí:  Chuẩn bị 10g thông thảo, cám gạo nếp 10g, hạt bông 15g (đã sao vàng) và nước 300ml sắc đến khi còn 200ml chia 3 lần/ ngày để uống. Uống ấm để hiệu quả dược liệu tốt hơn.

Thông sữa: Cho 6 đến 8g thông thảo, 1 đôi móng heo, 6g xuyên khung, 8g xuyên sơn giáp, 3g cam thảo. Cho vào nồi sắc uống, ngoài ra dùng nước hành rửa bầu và đầu ngực.

Trị nhiễm khuẩn niệu đạo: Sắc lấy nước uống 12g thông thảo, liên kiều 12g, 12g cù mạch, 8g mộc thông, 4g cam thảo.

Chữa chứng phù nề do tiểu ít, thấp nhiệt: Thông thảo, thiên hoa phấn, liên kiều cho 10g mỗi loại, sài hồ, cát cánh, thanh bì, mộc thông, bạch chỉ, xích thược mỗi loại 8g, 3 cam thảo. Sắc uống mỗi ngày 1 thang như trên.

Chữa cổ trướng nhẹ, tiểu ít: Dùng 12g hải kim sa, thông thảo, hạnh nhân, kê nội kim, la bạc tử mỗi loại lấy 10g đồng thời 6g hậu phác, mộc thông, trần bì mỗi loại rồi sắc lên mỗi ngày uống 1 thang.

Trị viêm cầu thận cấp, phù: Sử dụng 8g thông thảo, 10g đại phúc bì và 12g phục linh sắc lấy nước uống.

Món ăn có thể chế biến với thông thảo

Chân giò hầm thông thảo:

Tác dụng: Lợi sữa cho mẹ sau sinh.

Nguyên liệu: 1 đôi chân giò, 4g thông thảocó thể thêm 2-4g nhân sâm).

Cách chế biến: Làm sạch chân giò, chặt nhỏ rồi đem hầm với thông thảo, nhân sâm

Cháo lô căn thông thảo trần bì:

Tác dụng: Hỗ trợ điều trị nôn thổ, nôn khan sau khi mắc các bệnh đường ruột hoặc thương hàn.

Nguyên liệu: 6g thông thảo, 30g sinh lô căn, 2g trần bì, 60g gạo tẻ.

Cách chế biến: Nấu các nguyên liệu trên bằng lửa nhỏ thành cháo loãng, hạt cháo nhuyễn để uống mỗi ngày. Nên uống nóng thì giữ được hiệu quả tốt hơn.

Thông nhũ thang:

Tác dụng: Giảm tình trạng tắc tuyến sữa của mẹ cho con bú.

Nguyên liệu: 8g thông thảo, 2 cái chân lợn, 6g xuyên khung, 8g xuyên sơn giáp, 4g cam thảo.

Cách chế biến: Làm sạch chân lợn rồi chặt thành khúc, nướng phồng xuyên sơn giáp. Sau đó bỏ vào nồi ninh chín nhừ, bỏ các bã thuốc rồi nêm nếm gia vị là được.

Những điều cấm kỵ khi sử dụng thông thảo cần biết

Thông thảo là một dược liệu mang nhiều lợi ích với sức khỏe. Tuy nhiên cần phải được dùng với liều lượng thích hợp mới phát huy được công dụng cao nhất. Khi sử dụng kết hợp thông thảo với bất kỳ vị thuốc nào khác thì bạn cần tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn.

Không nên sử dụng thông thảo kéo dài trên 3 tháng.

Những trường hợp dưới đây tuyệt đối không được sử dụng thông thảo:

Những người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.

Những người mắc các bệnh lý về suy gan, suy thận.

Không sử dụng thông thảo cho người bị thấp nhiệt hoặc đi tiểu nhiều lần không kiểm soát.

Không được dùng thông thảo cho phụ nữ đang mang bầu.

Mua thông thảo ở đâu? 

Thông thảo là dược liệu được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền, bởi lẽ đó nên bạn có thể tìm mua thông thảo ở hầu hết các hiệu thuốc đông dược, phòng khám đông y, phòng chẩn trị y học cổ truyền..trên toàn quốc. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng của dược liệu thì cần tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trước khi quyết định mua.

 

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo