Bồ công anh

Thu gọn
Mục lục

Đối với phần lớn những người không nghiên cứu về y học cổ truyền thì bồ công anh trong nhận thức chỉ là một loại cây cỏ dại ven đường. Vì vậy không phải ai trong chúng ta cũng biết đến bồ công anh như một dược liệu có hỗ trợ điều trị một số bệnh lý của sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích của bồ công anh cùng những biện pháp để tận dụng lợi ích tuyệt vời của loại thảo dược này.

Đặc điểm cây bồ công anh

Tên gọi, phân nhóm, phân bố

Hiện nay ở Việt Nam có 3 loại bồ công anh phổ biến:

  • Bồ công anh Việt Nam ( Bồ công anh cao):

Trong dân gian Việt Nam thì loại bồ công anh này tại một vài địa phương được đặt tên là rau bồ cóc, diếp hoang, diếp dại, mót mét, mũi mác, diếp trời, rau mũi cày.

Tên khoa học của Bồ công anh Việt Nam là Lactuca indica L.

Bồ công anh Việt Nam thuộc họ Cúc hay trong tiếng Anh là Asteraceae, thuộc chi Rau diếp- Lactuca.

Phân bố: Loại bồ công anh này thường mọc dại ven đường, ven sông hồ, tại các sườn núi và phổ biến ở vùng trung du miền núi phía Bắc.

  • Bồ công anh Trung Quốc ( Bồ công anh lùn):

Bồ công anh Trung Quốc là vị thuốc được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau. Theo sách Thiên Kim Phương, vị thuốc này có tên là Phù công anh; hay theo Đồ Kinh Bản Thảo gọi là Bộc công anh; sách Canh Tân Ngọc Sách gọi bồ công anh là Thái nại; ngoài ra nó còn được biết đến với những tên khác như Bồ công định, Thiệu kim bảo, Bồ anh, Cổ đính, Ba ba đinh, Bát tri nại, Bạch cổ đinh, Địa đinh thảo, Nhĩ bản thảo, Kim trâm thảo, Lục anh, Đại đinh thảo, Cấu nậu thảo, Bột cô anh, Kim cổ thảo, Hoàng hoa lang thảo, Mãn địa kim tiền, Bột bộ đinh thái theo Hoà Hán Dược Khảo, Hoàng hoa địa hinh theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển. 

Tên khoa học được biết là Taraxacum offcinal Wig (Taraxacum dens-leonis Desf)

Loài cây này thuộc họ cúc Asteraceae, thuộc chi Taraxacum G.H.Weber ex Wigg.

Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng loại bồ công anh này đang ngày càng phổ biến tại Tam Đảo, Sapa, Đà Lạt và một vài vùng núi cao khác của nước ta.

  • Bồ công anh Chỉ thiên:

Tên khoa học: Elephantopus scaber.L.

Họ khoa học: Cúc hay Asteraceae.

Phân bố: Được trồng chủ yếu tại miền Nam Trung Quốc và cũng xuất hiện ở miền Nam nước ta. Loại cây này chủ yếu trồng với mục đích làm cảnh, pha trà, để chế biến thành món ăn chứ không có công dụng chữa bệnh.

Trong 3 loại cây bồ công anh được phân chia như trên thì Bồ công anh Trung Quốc ( Bồ công anh lùn) là đã được kiểm nghiệm về những lợi ích dược tính mang lại và cũng chính là loài cây được đề cập chủ yếu trong bài viết hôm nay

Mô tả

Bồ công anh Trung Quốc là cây dạng thân thảo, rất thấp chỉ dao động từ 20 đến 50 cm. 

Lá cây bồ công anh là lá đơn, thuôn dài, mọc trực tiếp từ rễ nhẵn chụm lại ở gốc thành hình hoa thị. Phiến lá thuôn dài men dần xuống cuống, kích thước chiều dài từ 13 đến 25cm, chiều rộng từ 4 đến 6cm, đầu lá nhọn hình dạng tương tự như mũi mác. Gân lá có hình lông chim màu trắng. Mép lá có khía răng cưa hoặc xẻ thuỳ, mặt trên lá màu xanh lục, mặt dưới màu xanh hơi ngả xám và có lông ngắn thưa, màu trắng. Cuống lá dẹp, gốc phình ra và mỏng màu hơi tía, mép cuống sẽ có màu nhạt hơn.

Hoa bồ công anh là rất nhiều các cụm hoa đồng giao tại 1 điểm với đường kính chỉ từ 3 đến 4cm. Cụm hoa này có trục dài từ 15 đến 25cm mọc từ nách lá là rỗng phần trong. Hoa có màu vàng khi già sẽ thu lấy hạt.

Quả bồ công anh hình bầu dục dạng thuôn hẹp có màu nâu đen, quả bế, dài từ 0,3 đến 0,5 cm, tầm 10 rãnh xẻ dọc. Chùm lông màu trắng phủ bề ngoài quả qua các gai nạc. 

Bồ công anh được Peng và Hsu năm 1978 công bố có số nhiễm sắc thể 2n=18.

Thành phần hoá học

Thành phần hoá học trong cây bồ công anh trong được đề cập trong tài liệu của Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh như sau: 

Trong một cây bồ công anh có chứa 0,98% falvonoid toàn phần gồm lactopicrin, taraxacin, taraxacerin, taraxasterol, homotaraxasterol, cosmossin, luteolin-7-glucosid, , β-sitsterol, stigmasrerol.

Trong lá và hoa cây bồ công anh gồm 88.8% nước, 0,6% protein, 0,44% sợi, có 1,6% phần chiết xuất bằng ether, 3,7% cacbonhydrat, 2,3% tro, 59,1mg/100g photpho và 73mg/100g vitamin C.

Trong rễ cây có thành phần taraxerol, amyrin, stigmasterol.

Ngoài ra còn chứa nhiều các vitamin nhóm B, nhóm C, nhóm E và các nguyên tố vi lượng như canxi, magie, natri..  

Bộ phận sử dụng

Hầu như các bộ phận của cây bồ công anh sau khi sơ chế đều có công dụng dược liệu nhất định: Lá, rễ, thân 

Cách thu hái, sơ chế, bảo quản.

Thu hái: Thời điểm thu hoạch bồ công anh làm dược liệu lý tưởng nhất là giữa tháng 4 đến tháng 5. Lựa chọn những cây có nhiều lá, màu lục tro, rễ còn nguyên vẹn.

Sơ chế: Rửa sạch và phơi khô trong bóng râm.

Bảo quản: Sau khi đã phơi khô thì cần bảo quản bồ công anh tại nơi cao ráo, thông thoáng hoặc phơi nắng. Tránh dự trữ ở nơi ẩm thấp vì cây rất mau mốc và dễ bị mục.

Công dụng 

Tác dụng dược lý

Đông Y:

Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách bồ công anh được sử dụng phổ biến với tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể, tán sưng tiêu ung, đặc biệt là trị chứng vú sưng đau.

Cũng theo sách trên thì Bồ công anh dùng chủ trị đinh nhọt sinh tấy, viêm tuyến vú, nhiễm trùng đường tiểu hoặc khắc phục viêm amidal cấp tính.

Tây Y:

Bồ công anh được ứng dụng nhiều nhất khi chữa các bệnh như sưng vú, viêm tuyến vú, ít sữa. Tiểu tiện khó, nhiễm khuẩn tiết niệu, mụn nhọt, sưng tấy, lở loét đều có thể sử dụng Bồ công anh để chữa trị.

Tại Trung Quốc, bồ công anh dùng để chữa các bệnh đau mắt, khó tiêu hay rắn cắn.

Bồ công anh được sử dụng ở Pháp để điều trị rất nhiều bệnh khác nhau như bệnh về gan, mật, thận, bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, các bệnh ngoài da, thấp khớp, thống phong, suy nhược, thiếu máu.

Cây được sử dụng như dược liệu chữa hen phế quản, thống kinh, mất kinh, xơ gan, loét dạ dày, viêm bàng quang, đái tháo đường, bể thận..ở Bungari.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Đại học Windsor ( Canada) đã cho ra kết luận rằng chiết xuất từ rễ cỏ bồ công anh khiến các tế bào ung thư máu tự chết. Điều này đã được kiểm nghiệm khi hai bệnh nhân ung thư máu không thể điều trị bằng biện pháp hoá trị, sau khi dùng trà cỏ bồ công anh thì sức khoẻ tích cực rõ rệt. Sau một vài nghiên cứu sâu hơn thì nhóm nghiên cứu này phát hiện thêm rằng chiết xuất từ cỏ bồ công anh có thể giúp các bệnh nhân ung thư bị kháng các chất hoá trị sẽ có cơ hội điều trị và cải thiện tình trạng bệnh từ loại thảo dược này. Hiện nay thì việc nghiên cứu này đang được mở rộng với hy vọng bào chế ra được loại thuốc mới để điều trị bệnh ung thư máu từ chiết xuất cây bồ công anh.

Tính vị

Tính vị của bồ công anh trong các ghi chép như sau:

  • Vị ngọt, tình bình, không độc (Theo Tân Tu Bản Thảo)
  • Vị hơi đắng, tính hàn (Theo Đông Viên Dược Tính Phú) 
  • Vị ngọt, tính bình, hơi hàn (Theo Bản Thảo Thuật).
  • Vị đắng, ngọt, tính hàn ( Theo Dược Tính Công Dụng).
  • Vị ngọt, đắng, tính hàn (Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Quy kinh

Dược liệu này có các vị trí quy kinh tại:

  • Can, vị ( Theo Trấn Nam Bản Thảo)
  • Dương minh Vị, Thái âm Phế ( Theo Bản thảo Giảng Nghĩa Bổ Di)
  • Can, Vị ( Theo Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách)

Bồ công anh chữa bệnh gì?

Bồ công anh được biết đến là công dụng:

  • Trị gai đâm
  • Khắc phục tình trạng mất sữa, sữa không thông, vú căng sưng, thiếu sữa ở mẹ sau sinh.
  • Hỗ trợ xương chắc mạnh, sinh thận thuỷ, làm tóc đen mượt.
  • Trị các bệnh cam sang, đinh nhọt.
  • Trị chứng lở loét, sưng độc phát sốt, côn trùng, rắn, bọ cạp cắn.
  • Trị tuyến sữa viêm cấp tính.
  • Trị viêm ruột thừa chưa vỡ mủ.
  • Trị viêm kết mạc cấp tính, sưng đau mắt, trị đỏ mắt do phong hoả.
  • Trị nhiễm trùng đường tiểu, bàng quang, tiêu hoá yếu, căng đau vùng dạ dày.

Lưu ý 

Những đối tượng không nên sử dụng Bồ công anh:

  • Người lái xe đường dài hoặc phải vận hành máy móc.
  • Người có mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thảo dược.
  • Phụ nữ mang thai không nên dùng.
  • Ung thư thuộc hư hàn âm không được sử dụng.

Bồ công anh có rất nhiều ích lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên thì khi sử dụng dược liệu này thì mọi người cần chú ý tham khảo ý kiến người có chuyên môn để tránh tình trạng tác dụng ngược của dược liệu.

Ngoài ra, có nghiên cứu cho thấy phấn hoa bồ công anh có thể gây dị ứng khi ăn hoặc dị ứng da đối với người có da nhạy cảm. Cần phải đến các trung tâm y tế để xử lý ngày nếu có triệu chứng bất thường.

Khi dùng cùng kali sparingdiuretics thì nồng độ kali của bồ công anh khá cao sẽ làm nguy cơ tăng lượng kali trong máu. 

Cần đảm bảo sạch sẽ và vô trùng khi sử dụng dược liệu vì đã có báo cáo liên quan đến sự xuất hiện bệnh sán lá gan lớn khi sử dụng bồ công anh.

 

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo