chè vằng

Thu gọn
Mục lục

Chè vằng là một loại dược liệu quen thuộc trong các bài thuốc dân gian đặc biệt là đối với các mẹ sau sinh bị mất sữa, ít sữa, sữa chậm về. Ngoài công dụng tuyệt vời trên chè vằng còn mang đến rất nhiều lợi ích cho cơ thể con người đã được y học kiểm nghiệm. Mọi người cùng tìm hiểu về loại thảo dược này nhé!

Mô tả dược liệu

Cây chè vằng là một loại cây nhỏ mọc hoang rất được ưa chuộng bởi công dụng lợi sữa cho mẹ sau sinh. Cây chè vằng còn được dân gian biết đến với các tên gọi khác như chè cước man, cẩm văn, cây lá ngón, cẩm vân, dây vắng, lài ba gân, mổ se..

Tên khoa học của chè vằng là Jasminum subtriplinerve Blume do Blume mô tả dược liệu lần đầu vào lần đầu tiên năm 1851.

Họ khoa học của chè vằng là Nhài - Oleaceae.

Phân loại

Theo dân gian cây chè vằng được phân loại thành 3 loại chính là:

  • Vằng lá nhỏ hay Vằng sẻ là cây thuốc dùng tốt nhất, hiệu quả nhất cũng là vị thuốc được đề cập trong bài viết hôm nay.
  • Vằng lá to hay Vằng trâu cũng được sử dụng làm dược liệu nhưng không được ưu tiên như vằng lá nhỏ bởi hàm lượng dưỡng chất không cao. Sở dĩ gọi là Vằng trâu bởi nó chủ yếu để làm thức ăn cho trâu bò.
  • Và loại cuối cùng là vằng núi, được đặt tên như vậy vì nó mọc ở cách vách núi cao, địa hình hiểm trở. Loại cây này không được sử dụng làm dược liệu bởi một phần khó thu hoạch do địa hình hiểm trở, một phần là do thành phần dược tính của nó không cao.

Đặc điểm

Đặc điểm hình thái cụ thể của cây chè vằng sẻ là: Phần thân nhỏ, cứng, mảnh có đường kính chỉ dao động từ 3 đến 6mm vươn rất dài. Vỏ cây nhẵn bóng mang màu xanh lục. Thân cây có nhiều đốt nhánh nhỏ và mọc thành từng cụm. Lá cây có hình bầu dục, đầu lá nhọn như ngọn mác, hai mặt lá thì không có sự khác biệt mấy về màu sắc. Lá chè vằng dài từ 4-8cm, rộng 2-5cm, cuống nhẵn và có khớp phía dưới đoạn giữa. Hoa cây chè vằng có màu trắng, mọc thành xim ở đầu mỗi cành và thời điểm xuất hiện vào tháng 3-4. Quả hình cầu chỉ to bằng cỡ một hạt ngô, thời điểm mọc vào tháng 5-6.

Cách nhận biết

Trên thị trường bán hầu hết là các dược phẩm chè vằng đã qua sơ chế sấy khô nên khá khó để phân biệt các loại. Dưới đây là một vài đặc điểm để nhận biết dược liệu này cho người mua có quyết định sử dụng đúng đắn:

Chè vằng lá nhỏ hay chè vằng sẻ có lá và dây khá nhỏ, sau phơi khô sẽ mang màu xanh nhạt. Nước loại chè vằng này khi đun sôi sẽ có màu xanh nhạt có mùi thơm đặc trưng rất dễ uống và có vị đắng nhẹ.

Chè vằng trâu thì lá to hơn nhiều, sau phơi khô có màu nâu. Tương tự nước sau đun sôi cũng mang màu nâu nhưng  khá khó uống bởi không có mùi thơm đặc trưng và vị chè vằng trâu đắng gắt.

Ngoài ra, người ta cũng hay nhầm lẫn giữa chè vằng và lá ngón hay còn gọi là cây đoạn trường thảo bởi cấu trúc tương tự nhau. Việc biết cách phân biệt hai loại cây này là rất cần thiết bởi vì chè vằng thì được dùng làm dược liệu chữa bệnh trong khi lá ngón lại là chất kịch độc có thể gây chết người. Đây là những đặc điểm khác biệt để nhận dạng hai loại cây này bạn cần chú ý:

Hoa: Dễ nhận biết nhất là bộ phận hoa bởi hoa chè vằng thì có 10 cánh và màu trắng, còn hoa của lá ngón thì màu vàng cam rất nổi bật, chúng thường mọc thành chùm và phân nhánh khá nhiều.

Lá: Lá cây chè vằng và lá ngón có cấu trúc tương tự nhau tuy nhiên lá cây chè vằng thì có 3 gân sọc, phân bố với 1 gân thì nằm giữa, 2 gân còn lại sẽ uốn cong theo 2 bên mép lá khác nhau. 

Quả: Quả cây chè vằng như đã miêu tả bên trên thì đường kính từ 1-3 cm hình cầu, khi chín mang màu vàng có một hạt chắc.

Quả cây lá ngón thì lại hình trụ với đường kính tầm 0,5-2cm, khi chín sẽ tử mở và bên trong có rất nhiều hạt, phát tán theo gió.

Phân bố

Cây chè vằng mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam và phổ biến ở các vùng rừng núi và trung du.

Người ta trồng nhiều cây chè vằng để thu hái ở các nơi như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Huế, Quảng Nam,..

Thành phần hoá học

Các kết quả phân tích từ các nhà khoa học chỉ ra rằng trong chè vằng có các thành phần hoá học tốt cho cơ thể như:

Flavonoid: hỗ trợ bảo vệ hoạt động của gan, ngăn ngừa quá trình oxy hóa và đào thải các chất độc hại có trong cơ thể.

Glycosid: Chất này là thành phần tạo nên vị đắng của lá chè có tác dụng thúc đẩy và tăng cường cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hoá, giúp bạn ăn ngon miệng hơn.

Alcaloid: Đây là thành phần hoá học có tác dụng chống ung thư hiệu quả, đồng thời làm giảm huyết áp, diệt khuẩn chống viêm nhiễm và đặc biệt có lợi trong tác động ở hệ thần kinh trung ương.

Ngoài các thành phần trên thì trong chè vằng còn chứa các chất như tinh dầu benzyl axetat, linalyl, acid salicylic,..

Bộ phận sử dụng

Bộ phận được dùng làm dược liệu của cây là cành và lá.

Thu hái, sơ chế

Người ta thu hoạch chè vằng vào tất cả các tháng trong năm.

Sơ chế: Thường khi chè vằng được thu hái về sẽ rửa sạch, để ráo nước rồi cắt thành từng khúc, đem phơi khô hoặc sấy khô để hãm lấy nước dùng. Ngoài ra còn có thể đem lá chè vằng nấu sao cho cô đặc lại thành cao để sử dụng.

Cách bảo quản

Để tránh hư hại ẩm mốc thì sau khi sơ chế nên cất chè vằng vào túi kín tại môi trường thoáng mát, khô ráo. Thi thoảng đem dược liệu ra ngoài phơi ngoài trời nắng.

Tác dụng dược lý

Theo Y học cổ truyền:

Nhờ đặc tính mát và thanh nhiệt, giải độc gan, lợi thấp, khu phong, hoạt huyết, tiêu viêm, trừ mủ, Chè vằng thường được sử dụng để ngăn ngừa mụn nhọt, nóng trong, kích thích ăn ngon, an giấc, giảm cân hiệu quả và giữ cho da dẻ mịn màng. 

Ngoài ra, chè vằng còn có công dụng kích thích tuyến sữa, lợi sữa cho mẹ sau sinh và đồng thời chống khuẩn, kháng viêm, trị các bệnh lý liên quan đến nội tiết như bế kinh, khí hư, đau bụng kinh, viêm tử cung, áp xe vú, viêm tuyến vú. 

Ông bà ta còn hay dùng chè vằng để trị các bệnh đau nhức xương khớp, phong thấp và các bệnh ngoài da khác.

Theo Y học hiện đại:

Có nghiên cứu chỉ ra rằng chè vằng góp phần ức chế sự phát triển của các vi khuẩn nguy hiểm như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan máu, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, Shigella Dysenteriae là tác nhân gây viêm dạ dày ruột và bệnh lỵ trực khuẩn ở người.

Trong các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy uống chè vằng sẽ tăng cường phòng và trị nhiễm khuẩn sau sinh và bệnh áp xe vú ở phụ nữ.

Khi thử nghiệm chè vằng trên thỏ và chuột đã cho ra tác dụng chống viêm nhiễm, hạ sốt, phòng trị các bệnh viêm loét dạ dày và thúc đẩy quá trình phục hồi các vết thương hở.

Vị thuốc chè vằng

Tính vị

Theo các ghi chép Đông Y thì cây chè vằng có tính hàn và vị đắng chát.

Quy kinh 

Vị thuốc chè vằng được biết quy kinh vào tâm và tỳ.

Bài thuốc ứng dụng Chè vằng 

Bài thuốc giúp điều hoà kinh nguyệt, chữa bế kinh, đau bụng kinh

Thành phần: 20g chè vằng, 16g mỗi loại ích mẫu, hy thiêm, 8g mỗi loại ngải cứu, bạch đồng nữ, 500ml nước.

Cách làm: Đun các dược liệu trên đến khi nước cạn còn tầm 300ml thì chia uống thành 3 lần/ ngày.

Bài thuốc hỗ trợ phục hồi sức khoẻ phụ nữ sau sinh

Thành phần: 30g chè vằng, nước lọc vừa đủ.

Cách làm: Đem sắc dược liệu thành nước uống hàng ngày.

Bài thuốc chữa sưng vú do tắc tia sữa, sưng do va chạm ngoài da

Thành phần: 30g chè vằng, nước lọc.

Cách làm: Đun dược liệu thành nước uống hàng ngày kết hợp với đắp chè vằng tươi giã đắp bên ngoài vùng cần chữa trị.

Bài thuốc chữa áp xe vú

Cách làm: Giã lá chè vằng tươi rồi đắp lên vị trí bị áp xe mỗi ngày 5 lần (ngày 3 lần, đêm 2 lần) hoặc đem trộn chung với cồn 50 độ C lấy hỗn hợp đắp. Làm liên tục theo quy trình trên từ 5 -7 ngày.

Bài thuốc trị vàng da

Thành phần: 20g mỗi loại chè vằng và ngấy hương, nước lọc vừa đủ.

Cách làm: Đem các dược liệu trên đun lấy nước uống hàng ngày.

Bài thuốc hỗ trợ nhuận gan

Thành phần: 12g mỗi loại chè vằng, chi tử, lá mua, vỏ núc nác, rau má, lá bồ cu vẽ, vỏ dại; 20g nhân trần, 8g thanh bì.

Cách làm: Đem các dược liệu trên bỏ nồi đem sắc nước uống hàng ngày.

Bài thuốc chữa rắn cắn, mụn nhọt

Thành phần: dấm thanh, rễ cây chè vằng

Cách làm: Mài dược liệu trộn với dấm thanh đắp lên nơi cần điều trị để hút mủ.

Bài thuốc chữa bệnh viêm nha chu

Cách làm: Nhai và ngậm lá chè vằng tươi đã rửa sạch.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng Chè vằng

Chè vằng rất có lợi cho sức khoẻ, tuy nhiên người dùng cần chú ý những vấn đề sau đây để không làm phản tác dụng của dược liệu:

  • Không sử dụng chè vằng cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Người có huyết áp thấp hay thường xuyên bị tụt huyết áp nên hạn chế sử dụng. Nếu có thì cần tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trước khi dùng.
  • Không dùng chè vằng cho người bị gan, thận mãn tính.
  • Nên dùng khi nước chè vằng còn ấm, không nên để qua đêm vì chất lượng của nước chè sẽ không được đảm bảo.
  • Người dị ứng với các thành phần có trong dược liệu không được khuyến khích sử dụng.
  • Cần phân biệt rõ cây chè vằng với cây lá ngón để tránh những trường hợp nhầm lẫn đáng tiếc.
  • Vì tính vị của chè vằng là vị đắng tính hàn nên khi sử dụng quá liều lượng hay dùng trong thời gian quá dài sẽ ảnh hưởng đến tỳ vị dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, đi ngoài, chán ăn, khó tiêu,..đối với các mẹ cho con bú còn bị giảm lượng sữa hoặc nghiêm trọng hơn là mất sữa. Do đó sử dụng chè vằng cần kết hợp với các vị thuốc khác để làm giảm các tác dụng phụ không mong muốn. Phụ nữ đang cho con bú muốn lợi sữa khi uống chè vằng cần có liều lượng phù hợp, không nên uống quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất sữa. Tốt nhất cần dùng theo liều lượng của y bác sĩ.

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo