Bạch truật là một loại dược liệu nổi tiếng với công dụng tăng cường sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ và đặc biệt rất được ưa chuộng trong công nghệ sản xuất các loại mỹ phẩm làm đẹp từ thiên nhiên để trị thâm nám, tàn nhang và làm trắng da. Ngoài những lợi ích nổi bật trên thì thảo dược này còn đem lại những hiệu quả chữa các bệnh lý khác mà không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc nhiều hơn nữa các thông tin bổ ích về Bạch truật, mọi người cùng tìm hiểu nhé!
Những đặc điểm của cây Bạch truật
Tên gọi, phân nhóm
Tên thường gọi: Bạch truật
Tên gọi khác: Vị thuốc Bạch truật còn được biết đến với những tên gọi khác như Truật, Truật sơn kế ( Theo Bản kinh); Sơn khương, Sơn giới, Sơn liên (Biệt lục); Thiên đao (Ngô- Phổ bản thảo), Sơn Tinh (Thần dược kinh); Ngật lực già (Theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo); Dương phu, Phu kế, Mã kế (Theo Bản Thảo Cương Mục); Ư truật; Sinh bạch truật; Sao bạch truật; Thổ sao bạch truật;...
Danh pháp khoa học: Atractylodes macrocephala Koidz.
Đây là loại thực vật thuộc họ Cúc ( Asteraceae) được Koidz mô tả khoa học lần đầu vào năm 1930.
Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Bạch truật thuộc cây thân thảo với rễ phát triển rất lớn ăn sâu vào đất, là cây sống lâu đời. Thân cây khá dài và thẳng tầm 70-80cm, mọc đơn độc và có phân thành các nhánh nhỏ ở phần bên trên của cây.
Lá cây bạch truật phân bổ xen kẽ dọc thân, cuống dài càng lên trên thì cuống ngắn dần. Phiến lá chia thành 3 thuỳ và cắt rất sâu tưởng chừng như là các lá riêng rẽ với phần thuỳ giữa hình bầu và 2 thuỳ còn lại nhọn nhọn tựa mũi mác. Phần mép lá có xuất hiện các răng cưa đều và nhọn.
Bạch truật mọc khá nhiều hoa với phần trên màu đỏ tím dưới đáy màu trắng và nhuỵ hoa có lông trắng ở đỉnh, có tràng dạng hình ống. Quả bạch truật màu xám, có dạng bế, thuôn.
Phân bổ
Có nguồn gốc từ Trung Quốc, Bạch truật được trồng chủ yếu ở Triết Giang, Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Dư Huyện, Giang Tây, Tứ Xuyên, Phúc Kiến.
Loại thảo dược này từ khoảng năm 1960 đã được di thực truyền vào Việt Nam trồng tại trại thuốc Sapa. Hiện nay thì Bạch truật được đặc trồng tại vùng Quảng Ngãi bằng quy trình đạt tiêu chuẩn GACP của WHO và được trồng phổ biến ở các vùng ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Đây là loại cây ưa sống ở nơi cao và nhiệt độ thấp nên thường được nhân giống ở địa phương có điều kiện như trên rồi mới đưa về đồng bằng nuôi dưỡng để lấy củ. Thời gian trồng và phát triển cây có thể giảm xuống còn 10 đến 12 tháng khi trồng ở đồng bằng.
Thành phần hoá học
Trong Bạch truật có chứa đa dạng các loại thành phần hoá học cụ thể là các palmitic acid, 8b-ethoxy atractylenolide II, b-selinene, humulene, b-elemol, a-curcumene, hinesol, 1.4% tinh dầu gồm các vitamin nhóm A, atractylola, eudesmol, C16H180, CH160,...
Tác dụng dược lý của cây Bạch truật
Tính vị
Trong các sách về Y học cổ truyền có đề cập tính vị của Bạch truật là vị ngọt, mùi thơm nhẹ, tính ấm.
Quy kinh
Dược liệu này quy kinh tại Tỳ và Vị.
Công dụng
Theo Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, công dụng của bạch truật gồm: Ích táo, Ích khí, Kiện tỳ, Trừ thấp, an thai, hoà trung, táo thấp, ích vị, ôn trung, chỉ khát, chỉ hãn.
Dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền với công dụng tuyệt vời lợi thuỷ, an thai, bồi dưỡng tăng cường sức khỏe, bổ khí huyết, tiêu viêm, hóa ứ, có lợi cho đường tiêu hoá và đặc biệt là khắc phục các bệnh ngoài da hiệu quả.
Theo Y học hiện đại
Y học hiện đại tận dụng vị thuốc này để chữa các bệnh như:
- Với khả năng ức chế dịch vị dạ dày tiết ra nhưng không làm giảm lượng axit tự nhiên, có cơ chế gây hưng phấn ruột riêng, đặc biệt nhuận tràng, đồng thời kháng viêm hiệu quả, Bạch truật được ứng dụng khá phổ biến các bệnh về dạ dày: táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, đầy bụng, viêm loét dạ dày, ợ chua, ợ hơi…
- Trong thành phần của Bạch truật có tác dụng tăng bài tiết Na, phòng ngừa hiện tượng tái hấp thụ nước ở tiểu quản thận, hỗ trợ chữa bệnh thận.
- Những người suy nhược cơ thể, mất ngủ, sức khoẻ yếu, vị thuốc này sẽ hỗ trợ kích thích vị giác, hạ đường huyết, an thần, giảm mệt mỏi, căng thẳng, bồi bổ và tăng cường sức khỏe.
- Dùng Bạch truật để giảm lượng glycogen khi gan bị tổn thương do thói quen sinh hoạt không hợp lý ( thức khuya, ngủ không đủ giấc,..) hoặc sử dụng thuốc không đúng liều lượng, bảo vệ các chức năng gan hiệu quả.
- Sử dụng Bạch truật sẽ giúp bồi bổ khí huyết, lưu thông khí huyết. Điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học rằng dược liệu này có khả năng giãn các mạch máu, chống hình thành máu đông và được ứng dụng để phòng tránh các nguy cơ đột quỵ, xuất huyết não.
- Bạch truật sử dụng như mỹ phẩm làm trắng da và điều trị nám, tàn nhang. Như đã phân tích bên trên, trong Bạch truật có các thành phần hoá học như Vitamin A, Inulin, glycosid,..giúp cải thiện các sắc tố da, làm da trắng hồng và đều màu.
Sử dụng Bạch truật như thế nào?
Bộ phận sử dụng
Người ta sử dụng phần rễ của cây Bạch truật để làm dược liệu.
Thời điểm thu hái, cách thu hái Bạch truật
Thời điểm thu hoạch lý tưởng của loại dược liệu này và từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Khi thu hái cần chọn phần thân rễ có ruột màu trắng ngà, rắn chắc và có mùi thơm nhẹ đặc trưng, tránh sử dụng những thân rễ nghèo dưỡng chất, màu hoặc mùi lạ. Chọn thời điểm sương giáng đến lập đông thu hoạch bởi nếu thu hoạch sớm thì củ còn non, chất dinh dưỡng không nhiều và chưa ráo hoàn toàn.
Dấu hiệu để nhận biết thời điểm là khi thân cây ngả vàng hoặc nâu, đồng thời các lá cây phần trên ngọn cây đã cứng và dễ bẻ gãy.
Ngoài ra thì cần chọn những ngày trời nắng ráo, đất khô vừa đủ.
Cách sơ chế dược liệu
Sau khi thu hoạch Bạch truật thì người ta hay dùng những cách sau để sơ chế dược liệu:
Cách 1: Đem cắt riêng lấy phần rễ cây, rửa sạch đất cho ráo nước rồi cắt thành từng miếng vừa phải. Sau đó đem phơi trong khoảng 15 đến 20 ngày hoặc sấy khô rồi bảo quản.
Cách 2: Cũng đem phần rễ rửa sạch để ráo nước rồi thái thành các lát mỏng. Sau đó lại ngâm các phần đã thái vào trong nước tầm 4 giờ, sau thời gian này thì đem đồ lên tiếp trong 4 giờ cho đến khi dược liệu mềm thì bào mỏng và phơi khô.
Cách 3: Lọc rễ, rửa sạch để ráo nước rồi bào thật mỏng. Phơi cho khô rồi đem vào tẩm mật sao vàng lên.
Cách 4: Cách này đơn giản nhất đó là sau khi rửa sạch thì đem thái thành lát mỏng và sao cháy.
Cách bảo quản
Dược liệu này rất dễ ẩm mốc hoặc mọt ăn nên cần bảo quản tại nơi khô thoáng và thường xuyên kiểm tra, phơi sấy để tránh sinh mốc. Không nên sấy diêm sinh quá lâu vì sẽ dẫn đến biến chất, đổi vị.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Bạch truật
Trong dân gian hay ứng dụng Bạch truật để làm thành các bài thuốc sau:
Bài thuốc tiêu chảy, kiết lỵ
Thành phần: 5kg Bạch truật thái mỏng đã qua sơ chế, nước lọc vừa đủ
Cách làm: Cho dược liệu vào đun cho tới khi nước cạn chỉ còn một bát thì lấy bã thuốc giã nhuyễn rồi trộn với mật ong thành dạng cao. Uống 1 viên cao thuốc mỗi ngày.
Bài thuốc chữa đau nhức răng
Cách làm: Ngậm một lát Bạch truật mỏng đã rửa sạch vào miệng.
Bài thuốc chữa dị ứng
Thành phần: 6kg Bạch truật, nước lọc.
Cách làm: Cho ngập nước dược liệu rồi đun đến khi cạn còn một nửa thì gạn lấy nước rồi lại thêm nước mới. Làm như thế đến lần nước thứ 3 thì trộn 3 nước lại cho cô đặc thành cao. Mỗi ngày sử dụng 2-3 thìa cao.
Bài thuốc trị viêm dạ dày, các bệnh về máu
Thành phần: 6g Bạch truật, 4.5g Trần bì và Hậu phác mỗi loại, 3g Toan táo nhân, gừng mỗi loại, 1.5g Cam thảo, nước lọc 600ml.
Cách làm: Cho các dược liệu trên cùng nước sắc lên uống 3 lần/ ngày.
Phương pháp làm đẹp từ Bạch truật
Bạch truật ngâm giấm trị nám, tàn nhang
Thành phần: 200g Bạch truật, 500ml giấm.
Cách làm: Cho Bạch truật và giấm vào lọ kín, ngâm trong vòng 15 ngày.
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ dùng hỗn hợp này thấm vào các vùng nhiều nám và tàn nhang đến khi khô lại bôi tiếp liên tục 3-4 lần như vậy.
Bạch truật làm mặt nạ dưỡng trắng da, ngăn ngừa lão hoá
Thành phần: 30g mỗi loại Bạch truật, Bạch chỉ, Bạch liễm, 4.5g Bạch cập, 9g mỗi loại Bạch phụ tử (sống), Bạch tế tân (đã bỏ lá), Bạch linh (đã bỏ vỏ).
Cách làm: Nghiền các dược liệu trên thành bột mịn rồi trộn với trứng gà, vo thành các viên sau đó phơi khô trong bóng râm. Trước khi đi ngủ thì lấy một viên hoà tan với nước ấm rồi đắp lên mặt để qua đêm.
Những lưu ý khi sử dụng Bạch truật cần biết
Những đối tượng không được khuyến khích sử dụng Bạch truật gồm:
- Không dùng khi có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào đối với các thành phần của dược liệu.
- Không sử dụng dược liệu cho người mắc bệnh hen suyễn.
- Những người bị âm hư, miệng khô, mắc các bệnh liên quan đến dạ dày hay bị mụn nhọt sinh mủ.
- Người có sức khoẻ yếu, suy nhược cơ thể.
- Phụ nữ có thai, mẹ đang cho con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn trước khi quyết định sử dụng.
- Trường hợp bị suy gan, thận nặng thì cấm sử dụng.
Đồng thời lưu ý những vấn đề sau khi sử dụng vị thuốc này:
- Cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm tra chất lượng dược liệu khi mua ngoài.
- Không nên sử dụng vị thuốc này trong thời gian quá dài nếu không nhận thấy những cải thiện về sức khỏe.
- Không nên kết hợp sử dụng Bạch truật với các dược liệu như địa du, phòng phong vì có thể gây ra các tác dụng phụ hoặc làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Ngoài ra khi sử dụng Bạch truật cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng phản ứng phụ như buồn nôn, khô miệng, miệng có mùi khó chịu.