Đinh lăng là loại cây gần gũi trong đời sống của người việt, thường được sử dụng trong các món ăn, củ dùng ngâm rượu. Tuy nhiên Đinh Lăng mang đến một công dụng tuyệt với khác cho sức khỏe, đã được áp dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian.
Đặc điểm cây đinh lăng
Tên gọi
Đinh lăng hay còn được một số địa phương khác gọi với cái tên gỏi cá, Nam dương sâm.
Loại cây này có tên khoa học là Polyscias Fruticosa (L.)Hararms được L.Hararms ghi nhận khoa học lần đầu vào năm 1894.
Trong nghiên cứu của giáo sư Ngô Ứng Long và cộng sự tại học viện Quân y đã liệt kê đinh lăng thuộc họ Ngũ gia bì ( Araliaceae).
Phân loại
Ở Việt Nam thì có các loại cây đinh lăng phổ biến sau:
- Cây đinh lăng đĩa: Thân cây khá to, hình dáng không thẩm mỹ, không có giá trị dược liệu.
- Cây đinh lăng lá răng, cây đinh lăng lá tròn và cây đinh lăng viền bạc: 3 loại đinh lăng này thường được dùng để làm cảnh.
- Cây đinh lăng lá to: Hiếm, không có giá trị dược liệu.
- Cây đinh lăng lá nhỏ: Là loại đinh lăng được sử dụng để ứng dụng làm thuốc chữa bệnh, cũng là cây sẽ được đề cập tới trong bài viết hôm nay.
Hình thức sinh thái
Đinh lăng là loại cây thường mọc ở môi trường có độ ẩm vừa phải, nơi cao ráo. Loại cây này khi giâm cành xuống thì có khả năng tái sinh dinh dưỡng cao, vì vậy người ta muốn gieo trồng đinh lăng thì chỉ cần chọn các đoạn cây già, cắt thành những đoạn ngắn cắm nghiêng xuống vùng đất ẩm là cây có thể phát triển. Nên trồng vào các tháng 2-4 hoặc tháng 8-10.
Được biết là loại cây sống lâu năm, nhiệt độ sinh trưởng thích hợp nhất là từ 22 đến 23 độ C. Cây có khả năng chịu hạn tốt nhưng lại kém phát triển hoặc chết nếu sống trong môi trường úng hạn ở thời gian dài.
Vì đặc tính ưa sáng và môi trường sống ẩm ướt nên đinh lăng phù hợp trồng ở địa lý có khí hậu nhiệt đới, 2 mùa rõ rệt.
Phân bố
Cây đinh lăng mọc hầu hết ở khắp nước ta và phổ biến dùng để làm cảnh. Ngoài ra thì nó còn xuất hiện ở các nước lân cận như Lào, Trung Quốc,...
Ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định còn phát triển mô hình trồng cây Đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP.
Kể từ năm 1961 khi tác dụng dược liệu của cây đinh lăng lan rộng thì cây được gieo trồng phổ biến tại các bệnh viện, trạm xá, vườn thuốc.
Mô tả dược liệu
Đinh lăng là cây thân gỗ, có chiều cao trung bình từ 1m đến 1.5m. Lá cây hình lông, dài khoảng 20 đến 40cm, thường xẻ làm 3 thuỳ, mép lá có răng cưa không đồng đều thường mọc so le nhau. Cuống lá nhỏ màu nâu nhạt. Ở cây đinh lăng trưởng thành có hoa màu trắng nhạt, nở trong thời gian tháng từ tháng 4 đến tháng 7, hoa được tụ lại từ nhiều tán hoa nhỏ gồm 5 cánh, với kích thước trung bình khoảng 8 đến 19mm. Quả đinh lăng thuộc dạng loại quả hạch, dạng dẹt, có vòi và màu trắng bạc. Vì mùi thơm đặc trưng, rễ vị ngọt tạo cảm giác thanh mát nên nó thường được sử dụng làm thức ăn kèm trong các món ăn dân gian.
Thành phần hoá học
Theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Ngô Ứng Long và cộng sự tại học viện Quân y cho biết trong cây đinh lăng có 8 loại thành phần hoá học của saponin oleanane. Đây là loại glucozit tự nhiên có tác dụng tăng sự thấm của tế bào, tăng cường hoà tan và hấp thụ các hoạt chất trong cơ thể.
Chất saponin này được tìm thấy nhiều ở bộ phận rễ và lá của cây. Ngoài ra trong vỏ rễ và lá đinh lăng còn chưa các vitamin nhóm B (B1, B2, B6), vitamin C, hơn 20 loại acid amin, acid hữu cơ, tinh dầu, tanin, phytosterol, các nguyên tố vi lượng và 21,1% đường. Vì chứa rất nhiều những dưỡng chất có lợi cho cơ thể nên đinh lăng thường được ví như nhân sâm của người nghèo là vậy.
Tại trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh, Viện Dược Liệu đã nghiên cứu và phân lập lá đinh lăng được 5 hợp chất. Cũng đồng thời tìm được 5 hợp chất trong rễ cây nhưng chỉ có 3 hợp chất là giống với lá. 3 chất này được chỉ ra là có tác dụng kháng khuẩn mạnh và chống một số dạng ung thư.
Cách sử dụng
Bộ phận sử dụng
Toàn bộ cây đinh lăng từ rễ, lá, hoa,.. đều có thể dùng để chữa bệnh. Nhưng phổ biến nhất trong y học vẫn là sử dụng lá và rễ cây Đinh lăng để chế biến thành dược liệu.
Thời điểm thu hái, cách sơ chế
Tùy theo từng bộ phận của cây thì thời điểm thu hoạch sẽ khác nhau. Cụ thể:
Rễ cây đinh lăng: Mùa thu hoạch là thu hoặc đông, tốt nhất là lấy rễ từ cây được trồng từ 3 đến 5 năm trở lên bởi thời điểm này rễ cây mềm và chứa nhiều dược tính nhất.
Cách sơ chế: Đào lấy rễ sau đó rửa sạch để cho ráo nước rồi bóc lấy vỏ rễ đối với cây to còn rễ nhỏ thì lấy luôn cả củ, thái thành các lát mỏng đem phơi khô nơi bóng râm để bảo toàn được dược tính. Khi đem sử dụng thì có thể đem ngâm rượu.
Còn một cách sơ chế rễ đó là rửa sạch, sao vàng lên trong lửa nhỏ tẩm cùng rượu gừng và mật ong để chữa bệnh. Thường được làm với tỉ lệ rượu gừng 5%, 5% mật ong hoặc mật mía, 100g dược liệu đinh lăng.
Hoa đinh lăng: Thời điểm thu hái hoa là từ tháng 4 đến tháng 7 mùa hoa nở. Khi hoa đang trạng thái nụ thì có thể dùng làm thuốc.
Cách sơ chế: Hái hoa, rửa sạch rồi đem phơi khô sau đó bỏ vào ngâm cùng rượu.
Lá đinh lăng: Nên thu hoạch ở những cây trên 3 năm tuổi. Lá thì có thể hái quanh năm và dùng ở dạng tươi hay khô đều được. Với lá cây tươi thì có thể sắc lắc nước ước, giã nhuyễn đắp lên bề mặt vết thương, dùng làm nước tắm,..Với dạng lá đinh lăng khô thì thường được là ruột gối hoặc lót giường cho trẻ nhỏ trị mất ngủ, co giật, ngủ không yên giấc,..
Công dụng của Đinh Lăng
Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền
Trong sách Đông y có ghi chép lại các dược tính có lợi cho sức khỏe của vị thuốc Đinh lăng bao gồm: bồi bổ khí huyết, trị suy nhược cơ thể, hỗ trợ hệ tiêu hoá, lợi sữa, sưng vú cho phụ nữ sau sinh, dùng làm thuốc chữa ho, lợi tiểu, chữa kiết lỵ. Thân và cành được sử dụng trị phong thấp, đau lưng, mỏi gối.
Theo Y học hiện đại:
Theo kết quả của Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sử dụng Đinh lăng có các tác dụng:
- Thân cây: Trị đau lưng, đau dây thần kinh toạ, giảm tê thấp.
- Lá cây: Chữa dị ứng, lợi sữa, thông tia sữa, áp xe vú.
- Hoa đinh lăng: Hoa ngâm rượu giúp tăng cường trí nhớ, thông tiểu tiện, an thần.
- Rễ cây: Tăng cường tuần hoàn máu và sức đề kháng, giảm mệt mỏi.
Học viện Quân sư Việt Nam chỉ ra rằng dung dịch cao Đinh lăng có công dụng:
- Kích thích tăng biên độ điện thế ở não, sóng alpha và beta, giảm tỷ lệ sóng delta. Đồng thời các tế bào thần kinh vỏ não tăng nhận thức với các kích thích của ánh sáng.
- Tăng hưng phấn trong phản xạ ở mê lộ.
- Tăng hoạt động phản xạ có điều kiện của não.
Tính vị
Trong ghi chép chỉ ra lá cây đinh lăng có tính mát vị đắng còn rễ cây vị ngọt hơi đắng nhẹ, tính mát.
Quy kinh
Chưa có thông tin chính xác về vị trí quy kinh của cây đinh lăng.
Đinh lăng có lợi ích gì với cơ thể?
Với các thành phần dưỡng chất có trong bộ phận cấu thành cây, Đinh lăng mang đến những lợi ích sau cho cơ thể con người:
- Thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố gan, ngăn ngừa các bệnh dị ứng.
- Đinh lăng giúp an thần, chữa mất ngủ. Các bà các mẹ hay dùng đinh lăng phơi khô làm ruột gối cho trẻ nhỏ giúp bé ngủ ngon và sâu hơn đồng thời ngăn ngừa đổ mồ hôi trộm ở đầu bé khi ngủ.
- Đinh lăng rất tốt cho phụ nữ sau sinh bởi tác dụng bồi bổ sức khỏe cơ thể, chữa tắc tia sữa, lợi sữa cho mẹ.
- Đinh lăng giúp tăng cường tuần hoàn mạch máu não.
- Đinh lăng ứng dụng trong làm đẹp bởi nó giúp trị mụn, làm da trắng hồng, mịn màng.
- Đinh lăng được dùng làm tăng tác dụng của thuốc chống sốt rét, dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày, giúp phục hồi vết thương nhanh hơn.
- Đinh lăng giúp tăng cường sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Hỗ trợ điều trị các triệu chứng mẩn ngứa, tiêu viêm sưng, tiêu thực.
- Giảm đau đầu, chóng mặt, suy nhược cơ thể.
Các bài thuốc từ cây đinh lăng
Bài thuốc 1: Bồi bổ sức khỏe sản phụ.
Thành phần: 200gr lá đinh lăng tươi.
Cách làm: Đun lá đinh lăng tươi làm nước uống hàng ngày. Hoặc dùng làm thức ăn kèm hay chế biến thành các món ăn ( không nên để trên bếp quá lâu sẽ làm mất dược tính).
Bài thuốc 2: Chữa tắc tia sữa cho mẹ sau sinh.
Thành phần: 40 gram lá đinh lăng. 300ml nước lọc.
Cách làm: Rửa sạch rồi đun lá đinh lăng với nước cho đến khi nước cạn còn 200ml rồi uống trong ngày. Không nên để qua đêm.
Bài thuốc 3: Giảm căng bầu ngực, thông tuyến sữa.
Thành phần: rễ đinh lăng 30-40gr, 500ml nước lọc.
Cách làm: Sắc nước đinh lăng còn 250ml, uống ấm.
Bài thuốc 4: Phục hồi vết thương.
Cách làm: rửa sạch dược liệu, để ráo nước sau giã nhuyễn lá đinh lăng rồi đắp lên vết thương để cầm máu, tiêu sưng, chống viêm nhiễm.
Lưu ý khi sử dụng đinh lăng làm dược liệu
Tuy có nhiều lợi ích tuyệt vời như vậy nhưng cần lưu ý những vấn đề sau khi dùng làm dược liệu để chữa bệnh:
- Không dùng đinh lăng cho phụ nữ đang mang thai.
- Nên hạn chế dùng đinh lăng cho trẻ em dưới 10 tuổi.
- Cần dùng đinh lăng với đúng liều lượng, tốt nhất nên dùng dược liệu dưới sự thăm khám của bác sĩ để ngăn ngừa các tác dụng phụ như thành phần saponin quá nhiều gây phá huyết dẫn đến hiện tượng mệt mỏi, tiêu chảy hoặc alcaloid làm hoa mắt, chóng mặt, suy nhược.
- Không nên sử dụng đinh lăng cho người mắc bệnh gan mật mãn tính.
- Người có tiền sử dị ứng với thành phần trong thuốc không nên dùng.