Cam thảo

Thu gọn
Mục lục

Cam thảo là loại thực vật sinh trưởng nhiều ở Châu Á, đây là loại cây sông rất lâu năm. Từ ngàn xưa Cam Thảo đã được ứng dụng vào các bài thuốc trong y học cổ truyền. Cam thảo được biết đến nhiều nhất với những bài thuốc đông y chữa loét dạ dày, làm lành và chống viêm nhiễm vết thương hở hoặc chữa ho vô cùng hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về cây Cam Thảo cũng như tác dụng của cam thảo trong đời sống con người.

Đặc điểm cây cam thảo

Cam thảo hẳn là rất quen thuộc với chúng ta bởi vị ngọt, tính mát và được sử dụng rộng rãi trong dân gian như một loại dược liệu chữa bệnh có ích. Ở Việt Nam có đến 3 vị thuốc cam thảo khác nhau đó là cây cam thảo nam (scoparia dulcis L.), cây cam thảo dây (abrus precatorius) và cây cam thảo bắc( glycyrrhiza uralensis fisch) cũng chính là cây cam thảo mà chúng ta nhắc đến trong bài viết hôm nay.

Cách nhận biết

Mỗi loại cây cam thảo thì có những công dụng dược lý khác nhau, vì vậy cần trang bị kiến thức về đặc điểm hình thái của mỗi loại để nhận biết được chính xác loại cây cần sử dụng để phục vụ chữa bệnh:

  • Cây cam thảo nam: Trong dân gian còn gọi bằng các tên khác là cam thảo đất, dã cam thảo, trôm lay,.. Cây cam thảo nam thì cao tầm 0,5-0,8m, thân cây thẳng đứng, hoá gỗ ở gốc, phần trên có nhiều nhánh khía dọc. Lá cây mọc đối nhau hoặc mọc thành các vòng ba với chiều dài dao động từ 2 đến 5cm, rộng từ 1.5 đến 3.5 cm, mép lá có răng cưa ở nửa cuối, gân phân bổ thành hình lông chim. Hoa cây cam thảo nam khá nhỏ, màu trắng, hoa và quả mọc xen kẽ lá với quả màu nâu đen. Loại cam thảo này có vị đắng hơi thanh ngọt lúc sau và có mùi thơm nhẹ.  
  • Cây cam thảo dây: Loài này là thân dây leo với cành cây khá nhỏ, lá cây hình lông chim và dài tầm 15-25cm gồm cả cuống. Mỗi cành cây leo gồm từ 8-30 lá chét hình bầu dục mọc trải đều toàn thân. Hoa cây cam thảo dây mọc thành từng chùm nhỏ ở đâu mỗi cành, cánh hoa hình cánh bướm màu tím hồng nhạt. Quả màu xanh, dài tầm 4-5 cm hình bầu dục khi chín lộ từ 3 đến 7 hạt tròn màu đỏ, vỏ cứng.
  • Cây cam thảo bắc: Là loại cây thảo sống lâu năm với chiều cao trung bình từ 30 đến 100cm. Bề mặt thân cây có lớp lông ngắn rất mảnh, mềm. Rễ cây dài màu vàng nhạt có thể đâm sâu tầm 2m. Lá cây gồm từ 9-17 lá chét, mọc kép so le nhau có hình dạng lông chim sẻ. Hoa cây cam thảo bắc tương đối nhỏ có màu tím nhạt, hình cánh bướm, mọc thành từng cụm ở nách lá,  thường nở vào tháng 6 và tháng 7. Quả xuất hiện vào tháng 7 đến tháng 9, màu nâu đen, chiều dài trung bình 3-5cm, rộng từ 6-9mm, có lông dày, giáp cong thành hình lưỡi liềm chứ từ 2 đến 8 hạt nhỏ dẹt cũng màu nâu và vỏ bóng.

Tên gọi

Trong tiếng Hán tên gọi cam thảo mang nghĩa là cây cỏ có vị ngọt, cây cam thảo bắc còn được gọi với các tên gọi khác như sinh cam thảo, quốc lão, bắc cam thảo, sinh cam thảo,.

Cây cam thảo được ghi chép với tên khoa học là Glycyrrhiza uralensis Fisch, được Fisch ghi nhận khoa học lần đầu vào năm 1825.

Cam thảo bắc thuộc họ đậu hay trong danh pháp khoa học này trong tiếng Anh là Fabaceae.

Hình thức sinh thái

Loại cây này có kỳ sinh trưởng vào hai vụ mùa xuân hạ và mùa thu, mùa đông thì cây lụi cho đến kỳ sinh trưởng tiếp theo lại phát triển trở lại, mỗi kỳ sinh trưởng thì lượng hoạt chất ở rễ lại tăng lên.

Cây cam thảo phát triển tốt ở các khu vực có môi trường đất khô ráo, đất giàu canxi hoặc đất cát.

Chất lượng dược liệu sẽ kém hơn, dưỡng chất ít hơn, nhiều xơ, ít bột, ít ngọt, rễ không phát triển, mọc cong queo khi được trồng tại những khu vực đất đen, chứa nhiều kiềm, cứng, chắc, hơi ẩm.

Phân bố

Cây cam thảo bắc có nguồn gốc từ Trung Quốc tại các tỉnh Khánh Dương, Dân Biên, Phú Tân, Liêu Ninh, Sơn Tây, Kiến Bình,..

Hiện nay thì cam thảo được di thực và được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh thành miền Bắc của nước ta như Hải Hưng, Hà Nội, Tam Đảo,..

Thành phần hoá học

Cây cam thảo chứa các thành phần hoá học chính là:  Isoliquiritigenin, Glycyrrhizin, Neo-liquiritin, Liquiritin, Isoliquiritin, Licurazid, Liquiritigenin...

Cách sử dụng

Bộ phận sử dụng

Phần rễ và thân rễ của cam thảo được sử dụng làm dược liệu.

Cách thu hái, chế biến

Thua hoạch những cây cam thảo có tuổi đời từ 3 đến 4 năm thì dưỡng chất sẽ dồi dào nhất. Thời điểm thu hái là tầm cuối thu hoặc mùa đông khi cây đã bắt đầu lụi dần.

Người ta thường chế biến dược liệu cam thảo dưới 3 dạng chính là bột cam thảo, chích thảo và sinh thảo được đặt tên theo cách chế biến của vị thuốc,  cách chế biến cụ thể từng loại như sau:

Sinh thảo: Sau khi rửa sạch nhanh các bụi đất thì đồ mềm rồi nhân lúc còn nóng thì thái thành các lát mỏng tầm 2mm . Nếu không kịp thái luôn thì nên nhúng dược liệu vào nước lã ủ cho mềm rồi thái. Sau bước thái lát thì phơi khô hoặc sấy rồi bỏ vào túi kín bảo quản.

Bột cam thảo: Thu hái rễ cây về thì cạo sạch lớp vỏ ngoài cùng rồi thái thành các miếng tròn, sấy thật khô sau đó nghiền thành bột mịn rồi bảo quản trong bình kín.

Chích thảo: Rửa sạch đất cát rồi đem đi sấy khô tẩm mật với liều lượng 1kg cam thảo tẩm cùng 200gr mật và 200ml nước lọc đã đun sôi. Tẩm như thế rồi đem sao vàng cho đến khi dược liệu khô. Nếu sử dụng ít thì có thể cắt rễ thành từng khúc khoảng 5 đến 10cm, cuộn chúng trong vài lớp giấy bản rồi nhúng vào nước cho thấm ướt, vùi vào trong tro nóng. Sau khi giấy khô và hơi xém thì bỏ lớp giấy bản rồi thái dược liệu thành các lát mỏng để dùng.

Bảo quản

Nên bảo quản dược liệu tại nơi thông thoáng, môi trường nhiệt độ phòng, kín gió, tránh ẩm ướt, nấm mốc làm biến chất dược liệu.

Tác dụng của cam thảo 

Cam thảo được biết đến với tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu, thanh nhiệt giải độc gan hiệu quả, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và tăng cường bồi bổ và sức đề kháng của cơ thể khoẻ mạnh hơn.

Với mỗi cách sao chế thì tính năng của vị thuốc sẽ được tận dụng chữa các bệnh khác nhau. Cụ thể:

Dùng cam thảo nướng có tính ấm sẽ chữa được những bệnh tỳ vị hư nhược, chán ăn, đau bụng do mắc các bệnh về tiêu hoá, ho do yếu phổi, mệt mỏi do sốt kéo dài..

Dùng cam thảo sống thì giúp thanh nhiệt, hạ hỏa cho cơ thể bởi tính mát của dược liệu. Người ta sử dụng cam thảo sống để chữa loét đường tiêu hoá, giải độc gan, và đặc biệt hỗ trợ trị chất độc của độc tố gây uốn ván ở người.

Tính vị

Theo sách Biệt Lục và Bản Kinh thì vị thuốc cam thảo có vị ngọt, tính bình.

Theo sách Trân Châu Nang thì dược liệu cam thảo sống có vị ngọt, tính bình, dạng chích sẽ có vị ngọt, tính ôn.

Trong sách Trung Dược Học thuốc có vị ngọt, tình bình, không độc; sau khi sao chế với mật thì chuyển sang tính ấm.

Quy kinh

Trong Thang Dịch Bản Thảo có ghi chép thì Cam thảo quy kinh vào kinh túc Quyết âm Can, túc Thái âm Tz, túc Thiếu âm Thận.

Tại Bản Thảo Kinh Giải, vị thuốc quy kinh vào Thái âm Tz, Thái âm Phế.

Lôi Công Bào CHích Luận ghi chép dược liệu này quy vào kinh Tâm, Tz.

Cam thảo trị bệnh gì?

Dân gian sử dụng cam thảo để chữa các bệnh sau:

  • Chữa loét dạ dày, chống viêm và làm lành vết thương hiệu quả.
  • Chữa ho, long đờm.
  • Bồi bổ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch.
  • Dùng làm trà nhuận tràng,
  • Chống co thắt.
  • Dùng ức chế enzym monoamin oxydase tác nhân gây trầm cảm. 
  • Dùng để làm thành chất điều vị, tạo ngọt.
  • Dùng để giữ nước, tích các nguyên tố vi lượng như Na+, Cl- và tăng huyết áp, giảm thải ion K+, giảm thải nước tiểu.

Trong các thí nghiệm khoa học gần đây còn cho thấy khả năng giải độc của cam thảo với các chất  atropin, chloralhydrat, cocain, strychnin, giải độc các độc tố uốn ván, bạch hầu.

Các bài thuốc từ cây cam thảo

Để tận dụng các dược tính có lợi cho cơ thể từ cây cam thảo, dân gian hay lưu truyền các bài thuốc sau:

Bài thuốc trị viêm loét dạ dày từ cam thảo:

Thành phần: Chiết xuất từ cây cam thảo.

Cách dùng: Cho chiết xuất vào đồ uống nóng. Uống 15ml mỗi lần, dùng 4 lần một ngày, sử dụng trong 6 ngày liên tiếp.

Bài thuốc trị ngộ độc, mụn nhọt từ cam thảo:

Thành phần: cao mềm cam thảo.

Cách làm: Dùng mỗi ngày từ 1 đến 2 thìa cà phê.

Bài thuốc cam thảo trị ho kéo dài, ho lao:

Thành phần: Bột cam thảo.

Cách dùng: Cho 4gr bột cam thảo hoà tan với nước ấm rồi uống mỗi ngày từ 3 -4 lần.

Bài thuốc cam thảo chữa viêm họng:

Thành phần: 10gr cam thảo sống, nước lọc.

Cách làm: Hãm với nước cùng dược liệu cho sôi thì uống liên tục mỗi ngày 2 đến 3 liều cho đến khi thuyên giảm.

Bài thuốc cam thảo trị trẻ em cấm khẩu:

Thành phần: 10gr cam thảo sống, 1 chén nước lọc.

Cách dùng: Sắc cùng nước cho đến khi cạn còn 7 phân nước rồi cho con uống cho đến khi trẻ nôn hết đờm trong cổ.

Bài thuốc trị khó thở, tâm phế suy nhược từ cam thảo:

Thành phần: 12gr cam thảo, 8gr nhị sâm, 10gr đương quy.

Cách làm: Sấy khô các loại dược liệu rồi tám thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng lấy 4gr hỗn hợp hoà tan với nước ấm, mỗi ngày uống 3 đến 4 lần khi nước thuốc còn ấm.

Bài thuốc cam thảo trị viêm tắc tĩnh mạch:

Thành phần: 50gr cam thảo tươi, 3 bát nước.

Cách làm: Đun lên khi nước cạn còn 1 bát rồi chia thuốc làm 3 phần uống trong ngày trước bữa ăn 15 - 20 phút.

Bột cam thảo có trị mụn không?

Ngoài được biết đến công dụng chữa bệnh, cam thảo còn được chị em ưa chuộng sử dụng để làm đẹp da. 

Dược liệu cam thảo dưới dạng bột thường được dùng để làm mặt nạ làm trắng da. Tác dụng này của cam thảo đã được kiểm nghiệm bởi trong vị thuốc có chứa rất nhiều dưỡng chất như flavonoid, glycosides, liquiritin, isoquercetin có tác dụng phân tán các sắc tố xấu làm da không đều màu, từ đó cải thiện làn da, làm mờ các vết thâm nám hiệu quả.

Ngoài ra các chất chứa trong cam thảo còn có khả năng chống viêm nhiễm, kích ứng của da, hỗ trợ trị mụn, làm mờ sẹo mụn, ngăn ngừa lão hoá cho da.

Vì những tác dụng tuyệt vời trên nên cam thảo là loại thảo dược rất phổ biến để làm thành phần của các sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp da từ thiên nhiên mà an toàn cho cơ thể.

Lưu ý khi sử dụng cam thảo làm dược liệu

Các tác dụng phụ khi sử dụng cam thảo cần biết:

  • Sử dụng cam thảo lâu ngày sẽ gây tăng huyết áp, giảm lượng kali trong máu, suy nhược, tê liệt và thể làm tổn thương não.
  • Giảm khả năng sinh lý ở nam giới, mất kinh nguyệt ở phụ nữ.

Dùng cam thảo không đúng liều lượng sẽ gây hại cho cơ thể vì vậy trước khi quyết định sử dụng dược liệu cần có sự theo dõi là thăm khám của các y dược sĩ chuyên môn.

Tuy vị thuốc cam thảo có nhiều tác dụng như thế với cơ thể, nhưng có những trường hợp lại không được khuyến khích sử dụng cam thảo. Cụ thể là:

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Người có dị ứng với bất cứ thành phần nào của dược liệu.
  • Người bị cao huyết áp, huyết áp không ổn định.
  • Người có hiện tượng táo bón lâu ngày.
  • Người bị viêm phế quản, viêm thận, ho nhiều, khó thở. 
  • Người dị ứng thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản thực vật
  • Những người bị táo bón lâu ngày, người cao tuổi.
  • Đối với nam giới thì cần tham khảo liều lượng của bác sĩ trước khi sử dụng bởi nếu không dùng đúng liều lượng sẽ gây bất lực, tăng huyết áp, giảm miễn dịch, viêm loét dạ dày.

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo