Cùng tìm hiểu cường kinh là gì? Tại sao bị cường kinh nguyệt

Thu gọn
Mục lục

Sức khỏe sinh sản là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với chị em phụ nữ. Bất kỳ những dấu hiệu bất thường nào cũng là một yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe cũng như chức năng sinh nở của mỗi người. Cường kinh là một trong những hiện tượng mà phụ nữ cần đặc biệt quan tâm bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đối với cuộc sống cũng như cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị kịp thời. Vậy cường kinh là gì? Cường kinh có nguy hiểm không? Mọi người cùng tìm câu trả lời qua bài viết hôm nay nhé!

Cường kinh là gì

Cường kinh được biết đến là tình trạng máu kinh nguyệt ra không kiểm soát với lưu lượng nhiều, ồ ạt, kéo dài nhiều ngày không dừng. Hiện tượng này có thể xuất hiện ở cả những người mới bắt đầu hành kinh đến những phụ nữ sắp đến giai đoạn mãn kinh.

Cường kinh còn hiểu là tình trạng rối loạn kinh nguyệt gây ra rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của người phụ nữ. Nó có thể là một dấu hiệu cảnh báo cho những bệnh lý về sinh sản nguy hiểm cần được xác định rõ nguyên nhân và có các biện pháp điều trị kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết bị cường kinh

Chị em phụ nữ cần chú ý nếu gặp các triệu chứng của bệnh cường kinh như sau:

  • Máu kinh ra với cường độ lớn, liên tục phải thay băng vệ sinh trong một ngày.
  • Lượng máu ra nhiều, có thể đông thành các cục máu lớn.
  • Có thể kèm theo hiện tượng rong kinh, tức thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày.
  • Đôi khi xuất hiện các cơn đau bụng dữ dội, cảm giác buồn nôn, buồn đi đại tiện và cơ thể vô cùng mệt mỏi.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như trên trong thời gian hành kinh thì bạn cần phải có các biện pháp kiểm tra và điều trị kịp thời để tránh để lại những ảnh hưởng xấu đến cơ thể.

Phân biệt cường kinh và rong kinh

Hai hiện tượng bệnh lý liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt là cường kinh và rong kinh. Do đó nên không ít người nhầm lẫn những dấu hiệu của hai tình trạng này. Để chị em có thể dễ dàng phân biệt được thì cần căn cứ vào những vấn đề sau đây:

  • Cường kinh: Đây là hiện tượng máu ra quá nhiều trong những ngày hành kinh.
  • Rong kinh: Hiện tượng này chỉ thời gian của một chu kỳ hành kinh quá dài, thường trên 7 ngày mới hết.

Tuy nhiên thì vẫn có những trường hợp xuất hiện cả rong kinh và cường kinh trong cùng một chu kỳ nguyệt san.

Việc xác định được tình trạng bệnh lý cũng như nguyên nhân gây bệnh là một trong những điều kiện hàng đầu để có các biện pháp chữa trị kịp thời và dứt điểm.

Tại sao bị cường kinh

Các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cường kinh bao gồm các yếu tố sau:

  • Mất cân bằng nội tiết tố: Với những bạn gái mới vào giai đoạn dậy thì hay phụ nữ ở tuổi mãn kinh thường sẽ gặp hiện tượng cường kinh do hoạt động của nội tiết tố không ổn định.
  • Polyp cổ tử cung: Đây là bệnh lý xuất hiện do nhiễm khuẩn, do các mạch máu phần cổ tử cung bị xung huyết hoặc do sự gia tăng của nồng độ estrogen dẫn đến mọc ra một khối u nhỏ trên bề mặt niêm mạc tử cung triệu chứng kèm theo là hiện tượng cường kinh. Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ đã có con và lứa tuổi ngoài 20.
  • Polyp nội mạc tử cung: Bệnh lý này thường lành tính và xuất phát từ việc tăng cao hàm lượng estrogen trong cơ thể hoặc u buồng trứng. Polyp nội mạc tử cung cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng cường kinh.
  • U xơ tử cung: Sự mất cân bằng estrogen gây ra u xơ phần tử cung đồng thời cũng gây ra cường kinh. Thường phụ nữ ở độ tuổi 30-40 hay bị mắc bệnh này.
  • Lupus: Lupus là một bệnh lý viêm mãn tính có khả năng tác động xấu đến các bộ phận khác trên cơ thể như da, thận, máu, khớp,..từ đó cũng là nguyên nhân hình thành hiện tượng cường kinh của phụ nữ.
  • Viêm tiểu khung: đây là một bệnh lý nhiễm khuẩn ở các cơ quan trong bộ phận phần tiểu khung. Bệnh lý này thường do sảy thai, lây nhiễm qua đường tình dục,..xuất hiện ở tử cung, vòi trứng hay phần cổ tử cung và gây ra cường kinh.
  • Ung thư cổ tử cung: Việc các tế bào ở phần cổ tử cung phát triển một các bất thường gây ra những tổn thương trong cơ thể và có triệu chứng nhận biết tiêu biểu là hiện tượng cường kinh ở phụ nữ.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên hiện tượng cường kinh do cơ chế hoạt động bất thường ở các cơ quan sinh sản không kiểm soát khiến các tổn thương ở phần tử cung và các cơ quan khác.

Ngoài ra còn do việc sử dụng thuốc tránh thai hay các biện pháp tránh thai do mang dụng cụ phần tử cung gây chảy máu, khó đông máu, cầm máu cũng gây ra triệu chứng cường kinh ở chị em phụ nữ.

Bị cường kinh có sao không

Ngoài việc gây bất tiện đến sinh hoạt hàng ngày thì cường kinh là tiềm ẩn những nguy hiểm đối với sức khỏe. Nếu gặp hiện tượng cường kinh kéo dài cũng khiến người bệnh thiếu máu, mất máu, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Thêm vào đó cường kinh cũng là một trong những cảnh báo về các bệnh lý liên quan đến các cơ quan sinh sản. Do đó, khi gặp bất cứ dấu hiệu nào của triệu chứng cường kinh thì chị em phụ nữ cũng cần lưu ý thăm khám và có các biện pháp khắc phục cũng như phòng tránh một cách khoa học nhất.

Cách chẩn đoán bệnh cường kinh

Để xác định một cách chính xác nhất nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng cường kinh thì bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám. Bên cạnh đó thì bệnh nhân cũng cần được đánh giá về mức độ ảnh hưởng của bệnh lý này đến sức khỏe của bản thân. Từ đó giúp loại trừ các nguyên nhân khác như ung thư hoặc các bệnh lý cũng có dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường khác mà không phải bắt nguồn từ bệnh cường kinh.

Điều trị cường kinh bằng cách nào?

Việc điều trị cường kinh sẽ được xác định sau khi đã tìm được nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Các biện pháp các bác sĩ chuyên môn hay áp dụng cho các bệnh nhân cường kinh sẽ dựa vào những yếu tố gây bệnh đó để tiến hành chữa trị. Cụ thể:

  • Cường kinh do rối loạn nội tiết: Điều trị bằng thuốc tránh thai và một số loại thuốc đặc trị khác theo liều lượng kê đơn của bác sĩ.
  • Cường kinh do polyp cổ tử cung: Phương pháp trị bệnh là cắt hoặc xoắn vặn polyp đồng thời sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Cường kinh do bị u xơ tử cung: Bác sĩ sẽ tiến hành bóc phần nhân xơ, lấy nội mạc tử cung hoặc làm tắc phần động mạch tử cung, cắt bỏ tử cung, dùng thuốc tránh thai, thuốc GnRH,...Hoặc trong trường hợp u xơ không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh sản thì sẽ không can thiệp mà để nó tự co dần rồi biến mất khi đến giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ.
  • Lupus dẫn đến cường kinh: Các bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân giảm căng thẳng, áp lực đồng thời dùng các thuốc có tác dụng chống miễn dịch, chống viêm không steroid.
  • Cường kinh do viêm tiểu khung: Dùng thuốc kháng sinh đặc trị.

Ngoài ra còn có các biện pháp can thiệp ngoại khoa, hoá trị, xạ trị,..cũng như các biện pháp xét nghiệm khác tuỳ thuộc vào chẩn đoán của bác sĩ để đưa ra được các biện pháp điều trị hợp lý nhất.

Cách phòng tránh bệnh cường kinh

Để phòng tránh bệnh cường kinh cũng như các bệnh lý liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt thì chị em phụ nữ cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý: bồi bổ đủ dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, giảm các thực phẩm có hại và thức ăn chứa nhiều chất béo, thức ăn có hàn khí cao,..
  • Tập thói quen nghỉ ngơi đúng giờ, hạn chế thức khuya.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục nhẹ nhàng, không làm việc quá sức hay các vận động thể chất quá mạnh.
  • Luôn vệ sinh thân thể sạch sẽ. Vệ sinh vùng kín bằng nước muối loãng hoặc các dung dịch vệ sinh phù hợp vào các kỳ hành kinh đồng thời nên thay băng vệ sinh thường xuyên để tránh mắc các viêm nhiễm phụ khoa khác.
  • Không được tự ý dùng các loại thuốc nội tiết mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường nào trong chu kỳ kinh nguyệt thì bạn cần đến các trung tâm y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân và các biện pháp can thiệp kịp thời.
  • Xây dựng thói quen khám phụ khoa định kỳ để có thể bảo vệ sức khỏe cơ quan sinh sản cũng như sớm phát hiện ra những bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Bài viết liên quan