Bạch thược

Thu gọn
Mục lục

Kho tàng Y học cổ truyền có vô vàn những loại thảo dược quý hiếm mang lại những giá trị cao cho sức khỏe con người. Việc trang bị thật nhiều những thông tin cùng lợi ích của các dược liệu này không chỉ hỗ trợ điều trị chữa bệnh cho bản thân mà còn là tiền đề để đưa ra quyết định sử dụng đúng đắn. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp các thông tin bổ ích cho mọi người về vị thuốc Bạch thược hay còn được các danh y thời xưa gọi bằng cái tên mỹ miều là mẫu đơn trắng.

Cây Bạch thược

Tên gọi

Bạch thược còn được dân gian biết đến các tên thân thuộc khác là Thược dược, Kim thược dược, Mẫu đơn trắng, Cẩm túc căn, Tiêu bạch thược..

Là loài thực vật thuộc họ Mao đơn hay Ranunculaceae. Tên khoa học của cây Bạch thược là Paeonia lactiflora Pall được P. albiflora Pall mô tả khoa học lần đầu vào năm 1776.

Nguồn gốc của tên Thược dược nghĩa là vị thuốc màu trắng, Bạch thược chính là rễ cây thược dược đã qua quá trình phơi hoặc sấy khô.

Đặc điểm thực vật 

Bạch thược là thực vật thuộc dạng thân thảo sống lâu năm. Thân cây cao từ 50cm đến 1m. Lá cây mọc so le, gồm nhiều thuỳ, hình mác dài khoảng 8 đến 12cm, rộng 2-4cm với phần cuống dài. Cây bạch thược mọc khá nhiều chồi non, phát triển thành từng cụm. Mùa hoa bạch thược vào tháng 5 tháng 6 hàng năm, hoa to, mọc đơn, màu hồng nhạt lúc trước khi nở sau đó chuyển dần sang màu trắng khi nở rộ. Bao phấn có màu da cam cho quả gồm 2-5 lá noãn.

Rễ cây là thành phần dược liệu chính với dạng hình trụ tròn, mập, mặt ngoài vỏ nhẵn hơi nâu, ruột trắng ngà hoặc màu hồng nhạt. Thân rễ rắn chắc, khó bẻ gãy.

Phân bố

Đặc điểm sinh thái: Cây Bạch thược phát triển tốt những nơi có khí hậu mát mẻ, nơi đồi núi cao. Cây thường mọc dưới những cây to.

Cây Bạch thược có nguồn gốc từ các tỉnh Trung Quốc mọc nhiều tại các tỉnh Tứ Xuyên, Liêu Linh, Sơn Đông, Hà Bắc, Cát Lâm..

Hiện nay Bạch thược đã được di thực vào Việt Nam và được trồng phổ biến tại Sapa do khí hậu thích hợp.

Thành phần hoá học

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh những dược tính tốt có trong thành phần hoá học của củ Bạch thược điển hình là tannin, calcium oxalate, tinh bột, một ít tinh dầu, acid benzoic, nhựa và chất béo, chất nhầy, paeoniflorin, polysaccharid, flavonoid, proanthocyanidin,..

Và đặc biệt là thành phần chiếm 90% dịch chiết từ rễ Bạch thược- paeoniflorin được ứng dụng rất nhiều trong bào chế thuốc với công dụng giảm đau, an thần, chống co giật, giảm sốt, giảm huyết áp, chống loét dạ dày...đều đã được kiểm nghiệm hiệu quả.

Bộ phận sử dụng: 

Người ta dùng rễ cây để làm thành phần chính cho vị thuốc Bạch thược.

Thu hái

Bạch thược nhiều dưỡng chất nhất sau 4 năm gieo trồng. Tuỳ vào từng vùng miền sẽ có mùa thích hợp để thu hoạch dược liệu: Triết Giang thu rễ Bạch thược vào mùng 10 tháng 6 hàng năm, tháng 7 là lúc vùng Tứ Xuyên thu hoạch dược liệu, ở vùng An Huy là cuối hè đầu thu, Hồ Nam vào những ngày tiết lập thu. 

Tuy nhiên thời điểm thích hợp để thu lấy rễ ở Việt Nam là vào tháng 8 đến tháng 10, chọn những ngày nắng ráo, đất khô. Nếu bắt buộc thu hoạch gặp mưa không thể phơi được thì nên vùi rễ vào đất cát ẩm không quá 2-3 ngày phải sơ chế ngay để không mất đi dược tính.

Cách sơ chế, bảo quản

Sau khi đào phần rễ lên thì rửa sạch, cắt bỏ phần thân rễ và các nhánh rễ con rồi ngâm nước 1 đến 2 giờ đồng hồ, ủ tầm 1-2 ngày hoặc đồ lên để tiết kiệm thời gian. Tiếp đến thì đem ra phơi, sấy khô hoặc sao qua dưới dạng lát mỏng tẩm rượu ( giấm).

Bảo quản dược liệu tại môi trường khô ráo, tránh ẩm mốc nếu chưa qua bào chế thì nên đem sấy khô với lưu huỳnh.

Bạch thược có tác dụng gì

Tính vị

Vị thuốc Bạch thược được ghi chép trong các sách Y học cổ truyền mang tính hàn, vị chua hơi thiên đắng.

Quy kinh

Dược liệu này quy vào kinh Tỳ, Can, Phế, Thủ.

Tác dụng dược lý

Đã có nhiều công trình nghiên cứu và thực nghiệm những dược tính mang lại lợi ích trong công cuộc điều trị bệnh ở con người cụ thể:

Theo Trung Dược Học ghi chép Glucozit trong Bạch thược ngoài tác dụng ức chế trung khu thần kinh nó còn hỗ trợ tăng dinh dưỡng nuôi dưỡng cơ tim nhờ thúc đẩy lưu thông máu, bảo vệ gan, hạ men transaminase, ức chế cơ trơn của các bộ phận dạ dày, tử cung ( đã được thực nghiệm trên chuột cống), và hạ nhiệt, chống viêm.

Ngoài ra, năm 1950 Lưu Quốc Thanh phát hiện nước sắc từ Bạch thược còn dùng để ức chế các loại trực khuẩn đại trường, trực khuẩn lỵ thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, liên cầu tán huyết, phế cầu khuẩn, nấm ngoài da, tụ cầu khuẩn vàng.

Thêm vào đó, nhờ công dụng chống co thắt cơ trơn của mạch máu chúng được ứng dụng để giãn mạch ngoại vi và hạ áp nhẹ.

Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng cũng chỉ ra Bạch Thược có tác dụng cầm mồ hôi và lợi tiểu hiệu quả.

Axit benzoic tìm thấy trong loại dược liệu này được biết có tác dụng điều trị chứng ho lâu ngày và loại bỏ đờm.

Một công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Nhật Bản Đông Dương y học chỉ ra rằng Bạch thược có tác dụng kích thích nhu động của dạ dày và ruột thỏ.

Cũng từ một thí nghiệm ở thỏ khi dùng Bạch thược cho thấy hiện tượng giãn mạch máu ngoại vi và hạ áp nhẹ khi kết hợp với thuốc Tây y điều trị do tác động ức chế chống co thắt cơ trơn mạch máu. 

Các bài thuốc từ cây Bạch thược

Tận dụng những lợi ích của Bạch thược, dân gian lưu truyền một số bài thuốc sau để từ loại thảo dược này để chữa bệnh:

Bài thuốc Bạch thược chữa đau nhức đầu gối:

Thành phần: 8g bạch thược, 4g cam thảo, 300ml nước.

Cách làm: Sắc dược liệu trên khi nước cạn còn 100ml nước rồi chia nước thuốc thành 2 lần uống/ngày.

Bài thuốc Quế chi gia linh truật trị nhức đầu hoa mắt:

Thành phần: 6g mỗi loại Bạch thược, quế chi, phục linh, sinh khương, bạch truật, đại táo, 4g cam thảo, 600ml nước.

Cách làm: Sắc các vị thuốc trên đến khi nước cạn còn 200ml chia thành 3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc trị hoa mắt, ù tai, chân tay tê từ Bạch thược:

Thành phần: 20g mỗi loại  Bạch thược, toan táo nhân, 16g mỗi loại thục địa, đương quy, 8g mỗi vị mộc qua, xuyên khung, 4g cam thảo.

Cách làm: Sắc với nước vừa đủ, uống trong ngày.

Bài thuốc trị đau bụng kinh:

Thành phần: 8g Bạch thược, hương phụ; 3g mỗi loại sài hồ, sinh địa, xuyên khung, thanh bì; 2g cam thảo.

Cách làm: Sắc các dược liệu trên thành nước thuốc uống trong ngày.

Bài thuốc chữa rong kinh, băng huyết:

Thành phần: 8g mỗi loại dược liệu Bạch thược, hoàng kỳ, mẫu lệ, thục địa, quế lâm, long cốt, can khương, mộc giác giao.

Cách làm: Tán các loại dược liệu trên thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng lấy 8g bột hoà với nước ấm uống trước khi ăn, uống 3 lần/ngày.

Bài thuốc trị đau bụng tiêu chảy:

Thành phần: 8g mỗi loại Bạch thược sao vàng, phòng phong; 12g bạch truật sao khử thổ; 6g trần bì.

Cách làm: Cho các loại dược liệu vào sắc thành nước thuốc uống hàng ngày.

Bài thuốc trị đau bụng sau sinh:

Thành phần:  Bạch thược 30g, 15g mỗi vị đương quy và gừng tươi, thịt dê 1kg.

Cách làm: Hầm trên lửa nhỏ, nêm gia vị cho vừa ăn rồi uống khi còn ấm.

Bài thuốc chữa loét dạ dày, khí hư, huyết ứ:

Thành phần: 20g Bạch thược, 15g cam thảo.

Cách làm: Sắc thành nước thuốc uống mỗi ngày.

Bài thuốc trị táo bón lâu ngày:

Thành phần: 25-40g Bạch thược, 10-15g cam thảo sống.

Cách làm: Sắc các dược liệu trên thành nước thuốc uống mỗi ngày một thang.

Bài thuốc trị bệnh kiết lỵ:

Thành phần: 12g mỗi loại Bạch thược, hoàng cầm, 6g cam thảo.

Cách làm: Sắc thành nước uống mỗi ngày.

Lưu ý khi sử dụng dược liệu Bạch thược

Để sử dụng một cách hiệu quả nhất vị thuốc Bạch thược người dùng cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Không dùng Bạch thược cho đối tượng tử khí hàn, đầy chướng không tiêu ( Theo Bản thảo chính).
  • Không kết hợp Bạch thược với các dược liệu thạch hộc, tiêu thạch, miết giáp, mang tiêu, phản lê lô, tiểu kế.
  • Không dùng khi huyết hư hàn ( Theo Bản thảo diễn nghĩa)
  • Không dùng cho người bị mụn đậu ( Dược phẩm hoá nghĩa) hay đang đau bụng, tiêu chảy do hàn tà gây nên, đau do trường vị hư lạnh ( Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Không dùng khi có dấu hiệu đầy chướng không tiêu, khí tỳ khí hàn.
  • Ngoài ra, người bao tử lạnh, căng tức ngực cấm dùng.

Qua nhiều quá trình nghiên cứu và kiểm nghiệm, Bạch thược càng dần khẳng định được hiệu quả chữa trị cao đối với các bệnh lý cụ thể ở cơ thể người. Biết các thành phần cũng như công dụng của Bạch thược đối với sức khỏe là cần thiết để người dùng đưa ra quyết định thông minh khi sử dụng.

Hiện nay Bạch thược được bán trên thị trường với giá dao động từ 300.000đ-400.000d/kg

Bạn có thể tìm mua vị thuốc này ở các hiệu thuốc Đông y, nơi phân phối dược liệu trên toàn quốc.

 

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo