Cúc hoa

Thu gọn
Mục lục

Xung quanh chúng ta có vô vàn những loài thực vật mang lại giá trị sức khỏe cao mà chưa được khám phá hết. Cúc hoa cũng là một thảo dược như thế. Tuy xuất hiện khá thường xuyên trong đời sống con người nhưng không phải ai cũng biết được những công dụng của chúng đối với cơ thể.

Cúc hoa là gì?

Tên gọi

Cúc hoa là thực vật thuộc họ Cúc- Asteraceae, với tên khoa học là Chrysanthemum morifolium Ramat được mô tả lần đầu vào năm 1753.

Loài cây này ở Việt Nam còn được gọi bằng các tên khác như Cúc diệp, Bạch cúc hoa, Dược cúc, Tiết hoa, Mẫu cúc, Cam cúc hoa,..

Có hai loại cúc hoa phổ biến ở nước ta là Hoàng cúc ( Cúc vàng) và Bạch cúc ( Cúc trắng). Tuy hình thức khác nhau nhưng công dụng chữa bệnh lại giống nhau nên chúng có thể dùng thay thế nhau để hỗ trợ điều trị và nâng cao sức khoẻ con người.

Đặc điểm thực vật

Cúc hoa là một loài thực vật sống lâu năm. Thân cây cúc hoa mọc thẳng đứng, được phủ một lớp lông trắng mềm, có chiều cao trung bình 90 cm.

Lá cây có lớp lông trắng mốc ở mặt dưới, phiến là hơi thuôn với 2 đầu tù, mép lá có các răng cưa, thuỳ xẻ sâu, không đều nhau. 

Với cây hoa cúc vàng- Chrysanthemum indicum thì phần cánh và nhuỵ hoa đều mang màu vàng, cụm hoa dạng hình cầu với đường kính nhỏ. Một cây cúc hoa cơ thể cho 10-15 bông nhưng hiếm khi có hạt. Mùa cây ra hoa và quả kéo dài từ đầu tháng 10 đến 6 tháng sau.

Vào mùa đông thì cây cúc hoa thường sẽ lụi hết lá. Hiểu nguyên lý này nên người ta thường tranh thủ cắt phần cành đã trụi, giữ lại gốc để cây có thể đâm chồi vào mùa xuân năm sau.

Hình thức sinh thái

Cây cúc hoa ưa sống ở môi trường ẩm ướt và có ánh sáng mặt trời.

Phân bố

Cây hoa cúc vàng có nguồn gốc từ các nước Đông Á, xuất hiện nhiều tại Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên,..

Ở Việt Nam thì loài cây này được trồng phổ biến ở các vùng Nhật Tân ( Hà Nội), Tế Tiêu ( Hà Tây), Nghĩa Trai ( Hưng Yên),..

Ngoài làm thuốc thì cây cúc hoa còn được dùng để ướp trà, nấu rượu bồi bổ sức khỏe.

Thành phần hoá học

Kết quả các nghiên cứu khoa học về thành phần hoá học của cây cúc hoa cho thấy một lượng tinh dầu lớn, carotenoid, acid amin và flavonoid. Thêm vào đó là các hợp chất như Luteolin, Thymol, Tricosane, Quercetin 3-O-glucoside, Acacetin-7-O-Rhamnoglucoside, Lutein-7-Rhamnoglucoside, Isorhamnetin-3-O-galactoside, Camphor,…

Cách sử dụng cây thuốc cúc hoa

Bộ phận sử dụng 

Bộ phận chứa dược tính chủ yếu của cây cúc hoa là hoa khô- Flos Chrysanthemi được ứng dụng để làm thuốc chữa bệnh.

Hoa làm dược liệu tốt nhất khi còn nguyên vẹn, màu sắc tươi sáng, mùi thơm đặc trưng, không cành, cuống, lá có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.

Thu hái, sơ chế

Thời điểm thu hoạch tốt nhất cho dược liệu cúc hoa là vào khoảng tháng 9 đến tháng 11, khi hoa nở rộ.

Khi hái cần cắt cả cây. Phơi khô trong bóng râm rồi ngắt lấy nguyên hoa.

Hoặc chỉ cần ngắt mình hoa rồi đem sấy hoặc phơi cho khô là được.

Hoa dùng tươi thì dược tính tốt hơn. Nếu muốn trữ lâu hơn có thể xông với Lưu huỳnh trong 2-3 giờ khi hoa chín mềm thì đem ra nén. Đến lúc thấy nước đen chảy ra thì đem phơi khô rồi đem bảo quản dùng dần.

Bảo quản

Cần bảo quản dược liệu tại nơi khô ráo, kiểm tra thường xuyên vì cúc hoa rất dễ sâu mọt, ẩm mốc. Nên xông diêm sinh định kỳ.

Không nên phơi nắng quá nhiều, dưới nắng quá gắt cũng như sấy nhiệt độ quá cao vì rất dễ làm mất hương vị, nát cánh hoa, biến màu dược liệu.

Công dụng cúc hoa

Tác dụng dược lý

Trong các sách Y học cổ truyền có nhắc đến cúc hoa như một vị thuốc chủ trị thanh can sáng mắt, giải độc cơ thể nhờ tính vị và quy kinh được đề cập như sau:

Tính vị

  • Sách Bản Kinh ghi dược liệu vị đắng, tính bình.
  • Cuốn Biệt Lục viết vị ngọt, không độc.
  • Thang Dịch Bản Thảo ghi là vị đắng mà ngọt, tính hàn.
  • Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách viết là vị ngọt, đắng, tính hơi hàn.
  • Đông Dược Học Thiết Yếu đề cập tính vị của Cúc hoa là vị ngọt, đắng, tình bình, hơi hàn.

Quy kinh

Các cuốn Lôi Công Bào Chích Luận, Đông Dược Học Thiết Yếu và Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách cho rằng vị trí Cúc hoa quy vào các kinh Phế, Tỳ, Can và Thận.

Cúc hoa có tác dụng gì với cơ thể?

Theo Y học cổ truyền:

Với tính vị và quy kinh đề cập như trên thì trong Đông Y vị thuốc Cúc hoa thường được chủ trị các bệnh như cảm lạnh, chóng mặt, huyết áp cao, đau đầu, cảm cúm, viêm mũi, hỗ trợ hệ tiêu hoá khoẻ mạnh. Ngoài ra, lá của cây Cúc hoa còn dùng để chữa các bệnh như định nhọt, rắn cắn, chấn thương ứ huyết, bầm dập,...

Theo Y học hiện đại:

Các nghiên cứu Y học hiện đại ứng dụng thảo dược bởi các tác dụng sau:

  • Cúc hoa có khả năng kháng khuẩn, tiêu viêm

Kết quả thí nghiệm cho thấy nước sắc từ Cúc hoa có tác dụng ức chế các virus, vi khuẩn như tụ cầu trùng vàng, lỵ Sonnei, trực trùng thương hàn, liên cầu trùng dung huyết Bêta,..ngoài ra nó còn hỗ trợ đường tiêu hoá hoạt động khoẻ mạnh.

  • Cúc hoa dùng điều trị tăng huyết áp

Các hoạt tính tìm thấy trong dược liệu này có tác dụng làm ổn định huyết áp nhờ tác động ức chế adrenaline và các phản xạ vận mạch có nguồn gốc từ trung tâm mà không ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh hạch và lưu lượng tim.

  • Cúc hoa giúp mờ sẹo, chống phát ban

Vitamin A có trong vị thuốc này hỗ trợ quá trình tái cấu trúc ở da, kích thích sản sinh các collagen từ đó làm mờ các vết thâm sẹo trên da hiệu quả.

  • Sử dụng cúc hoa giúp hạ sốt do cảm lạnh

Điều này đã được thực nghiệm trên người bệnh bị cảm phong hàn. Khi dùng bài thuốc có chứa Cúc hoa giúp hạ sốt tới 80% bệnh nhân tham gia thực nghiệm.

  • Cúc hoa có tác dụng an thần

Với tác động hạ hưng phấn và an thần cho người bệnh. Cúc hoa được ứng dụng để điều trị cho các bệnh nhân suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng và cho ra kết quả tích cực.

Các bài thuốc từ cây cúc hoa

Tận dụng lợi ích của loại thảo dược này, dân gian lưu truyền các bài thuốc chữa bệnh sau từ vị thuốc Cúc hoa:

Bài thuốc trị háo nhiệt, sốt cao, đau đầu, cảm mạo:

Chuẩn bị: 8g mỗi vị Cúc hoa, Hạnh nhân, Cát cánh; 12g Tang diệp; 4g mỗi vị Liên kiều, Bạc hà, Đạm trúc diệp, Cam thảo.

Cách làm: Sắc uống các loại dược liệu trên. Lấy nước chia thành 2 lần/ngày, trước bữa ăn.

Bài thuốc chữa các bệnh lý về mắt như đau mắt đỏ, sưng mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt

Chuẩn bị: 12g mỗi vị Cúc hoa, Bạc hà, Lá tre tươi, Lá dâu, Kinh giới.

Cách làm: Sắc nhỏ lửa rồi bắc ra lúc còn nóng. Xông nhẹ hơi thuốc vào mắt đau. Lấy nước sắc uống khi còn ấm, chia uống 2 lần/ngày. 

Bài thuốc trị đau mắt đỏ, hoa mắt, chóng mặt, ngạt mũi:

Chuẩn bị: 10g mỗi vị Cúc hoa, Kinh giới, Bạc hà, Phòng phong, Khương hoạt, Tế tân, Xuyên khung, Bạch chỉ, Hương phụ, Cam thảo, Bạch cương tàm.

Cách làm: Tán các dược liệu thành bột, mỗi ngày chia làm 2 lần, mỗi lần uống 4-6g cùng nước ấm.

Bài thuốc trị mụn nhọt, đinh độc, tê da mất cảm giác:

Chuẩn bị: 16g Cúc hoa, 20g Cam thảo.

Cách làm: Hãm lấy nước thuốc uống 2-3 lần/ngày.

Bài thuốc trị âm hư hỏa vượng, đau đầu, hoa mắt, hay quên, huyết áp tăng:

Chuẩn bị: 8g mỗi vị thuốc Cúc hoa, Trạch tả, Sơn thù, Mẫu đơn bì, Bạch phục linh, Táo nhân, Bá tử nhân; 12g mỗi vị Kỷ tử, Thục địa, Sa sâm, Mạch môn.

Cách làm: Sắc lấy nước thuốc uống mỗi ngày một thang.

Lưu ý khi sử dụng cúc hoa làm dược liệu

Cúc hoa mang lại những giá trị tuyệt vời cho sức khoẻ là vậy. Nhưng khi sử dụng dược liệu này mọi người cần lưu ý những vấn đề sau để tránh làm giảm hiệu quả chữa bệnh của vị thuốc:

  • Không nên dùng trà hoa cúc khi đói.
  • Đối tượng bị dị ứng phấn hoa và cỏ dại thì không nên sử dụng.
  • Người huyết áp không ổn định, huyết áp thấp cần cẩn thận khi dùng.
  • Những người có thể hàn thì hạn chế dùng.
  • Khi đang điều trị bệnh bằng bất cứ vị thuốc nào khác muốn sử dụng Cúc hoa cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ, những người có chuyên môn.
  • Phụ nữ mang thai có thể dùng 10g cúc hoa mỗi ngày để ngăn ngừa chứng thai nghén.
  • Người trước và sau phẫu thuật nên dừng uống trà để đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Mong rằng những chia sẻ về vị thuốc Cúc hoa trên đây sẽ giúp người đọc tận dụng được những giá trị dược liệu tuyệt vời của nó để nâng cao sức khoẻ bạn bè, người thân gia đình mình.

 

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo