Hương Phụ

Thu gọn
Mục lục

Nhận định “nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ” từ xưa đã được lưu truyền với ý nghĩa nam giới chữa bệnh không thể thiếu vị thuốc trần bì cũng như không thể phủ nhận công dụng của hương phụ trong việc chữa bệnh cho nữ giới. Vậy Hương phụ đem lại công dụng gì cho sức khỏe con người mà được khen ngợi như thế? Mọi người cùng tìm hiểu loại dược liệu này qua các thông tin cung cấp ở bài viết hôm nay nhé!

Mô tả dược liệu

Hương phụ là một vị thuốc còn được biết với tên gọi khác là củ gấu, cỏ cú, cỏ gấu, cỏ gấu vườn..

Đây là thực vật có tên khoa học Cyperus rotundus L. và họ khoa học là Cói hay Cyperus tuber. Họ và tên khoa học của loại cây này có xuất phát từ nguồn gốc Hy Lạp "κύπερος" và tiếng Latin “rotundus” dịch sang Việt Nam đều mang nghĩa là tròn.

Đặc điểm hình thái

Hương phụ hay Cỏ gấu được biết là một loại cỏ hoang với sức sống mãnh liệt, sống rất nhiều năm. Loại cây cỏ này chỉ cao từ 20 đến 60cm với lá nhỏ hẹp, có gân lưng cứng và bóng nổi lên, phần dưới thì lá ôm trọn lấy thân cây.

Loại cây này cũng cho hoa vào tháng 6 hàng năm. Hoa Cỏ gấu mọc ở trên ngọn với 3 đến 8 cụm chùm hoa màu nâu xám có nhuỵ dài vươn 2mm, hoa lưỡng tính cho quả 3 cạnh màu xám.

Thân rễ hình thoi là bộ phận được tận dụng làm thuốc, chúng phát triển thành củ sau một thời gian nhất định. Tùy vào chất lượng đất thì cho củ to hay nhỏ. Vỏ ngoài rễ màu nâu đen với nhiều nếp nhăn dọc, các lông cứng màu đen và các đốt ngang. Khi cắt ngang thì bề mặt màu xám, lõi trong giữa màu hơi nâu sẫm, mùi thơm đặc trưng.

Phân loại

Hiện nay sử dụng để bào chế dược liệu gồm hai loại Hương phụ, tên của chúng được đặt theo vị trí mọc. Cụ thể:

Hương phụ vườn: đây là cây thân cỏ cao khoảng 30cm với phần rễ trương phình thành củ. Củ của Hương phụ vườn có lông, màu nâu nhạt và khá nhiều đốt ngang. Lá của loại cây này thì dài và hẹp. Hoa mọc thành tán xoè cho quả màu xám.

Hương phụ biển: Cây cũng cao tầm 30cm, thân rễ mảnh, rễ cây phát triển thành củ ro hơn hương phụ vườn và có màu đen thẫm. Lá cây thường màu nâu với chiều dài từ 5-12mm. Cho quả hình trái xoan.

Phân bố

Cây Cỏ gấu phân bố rộng khắp toàn cầu và phát triển mạnh mẽ ở các khu vực khí hậu nhiệt đới và ôn đới. 

Đây là loại thảo dược dễ tìm thấy vì hầu như chúng mọc hoang ở các đồng ruộng, ven đường. Loại cây này được xem là cỏ dại ở tới 90 quốc gia vì tính gây hại của nó đối với mùa màng là rất lớn. Một phần do rễ cây phát triển thành củ ăn sâu xuống lòng đất nên rất khó kiểm soát sinh trưởng và hầu như không thể diệt bỏ hoàn toàn loại cây này.

Hương phụ hay cỏ gấu mọc hầu hết ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên,..

Vào những năm 2010 những thương lái người Trung Quốc đã thu mua một số lượng lớn cây cỏ gấu khô tại các tỉnh miền Bắc nước ta với giá khá cao nhằm mục đích chế dược liệu. Điều này chứng tỏ cây cỏ gấu giữ một vai trò giá trị dược liệu quan trọng trong Y học và sức khỏe con người.

Thành phần hoá học

Chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra toàn bộ các hoạt chất hoá học của dược liệu Hương phụ. Chỉ mới biết được chiết xuất của hương phụ có từ 0.3% đến 2.8% một loại tinh dầu màu vàng có mùi thơm nhẹ với thành phần: rượu cyperola, cyperen, C^H^ và các axit béo, phenol…

Với tuỳ từng địa phương trồng thì tỉ lệ thành phần trên trong tinh dầu là khác nhau. Ví dụ: thành phần chủ yếu của tinh dầu chiết xuất từ hương phụ ở Trung Quốc là cyperen (độ sôi 104nC/5mm thủy ngân) và izocyperotundone, tại Nhật Bản thì lại là  cyperol, cyperenol (độ chảy ở 94°C) chiếm 49%, cyperen 32% và Ct-cyperon (độ sôi 177°c/20mm thủy ngân), cyperotundon và cyperolon (độ chảy ở 41- 42°C).

Bộ phận sử dụng

Người ta dùng thân và rễ của cây Hương phụ để bào chế thành dược liệu chữa bệnh.

Thu hái, sơ chế

Thời điểm thích hợp để thu hái dược liệu là vào mùa thu, lúc này cây sẽ cho củ no chắc và dược tính tốt hơn.

Sơ chế:

Đào toàn cây mang về phơi khô rồi vun lại thành đống để đốt hết lá và các rễ con. Sau đó thu lấy củ, rửa sạch rồi tiến hành phơi nắng hoặc sấy cho khô.

Sử dụng

Khi sử dụng dược liệu thì có thể để dùng sống với củ được sơ chế như trên hoặc có thể sắc, thái lát ngâm rượu, tán bột.

Những lương y thời xưa thường chế biến phức tạp mới sử dụng dược liệu, tiêu biểu là phương pháp thất chế và thất chế cho hương phụ.

Với phương pháp tứ chế: Cứ mỗi 1kg dược liệu cỏ gấu chia thành 4 phần 250gl một phần ngâm cùng giấm 200ml ( có độ axit axetic 5%), một phần ngâm rượu 40%, một phần ngâm nước tiểu trẻ em, một phần ngâm nước muối 15%. Thời gian ủ phụ thuộc vào mùa ngâm: nếu ngâm vào mùa hè thì đảm bảo 1 ngày 1 đêm, mùa thu là 3 ngày 3 đêm, mùa đông đủ 7 ngày 7 đêm. Sau cùng lấy 4 phần trên ra sao hoặc phơi khô rồi trộn đều với nhau.

Theo Đông Y lý giải phương pháp ngâm này nhằm ngấm vào gan khi ngâm giấm vị chua, muối vị mặn sẽ đưa thuốc vào thận, nước tiểu có tác dụng bổ còn rượu thì bốc lên các cơ quan trên.

Trên thực tế thì có rất nhiều các phương pháp chế biến loại dược liệu này, tùy thuộc vào thay đổi theo sáng kiến của các thầy thuốc. Tuy nhiên chế biến theo cách nào trên đây thì hiệu quả giữ lại vẫn rất tốt.

Cách bảo quản

Hương phụ thường được trữ tại môi trường khô thoáng, tránh ẩm mốc.

Hương phụ có tác dụng gì?

Theo Y học hiện đại:

Một số tác dụng dược lý tiêu biểu của Hương phụ đã được kiểm nghiệm như:

  • Hương phụ tác dụng vào cổ tử cung động vật gây ức chế co bóp tử cung, đồng thời nó làm giảm trường lực rõ rệt.
  • Hương phụ hỗ trợ giảm đau hiệu quả.
  • Dược liệu có thể ức chế khu thần kinh trung ương.
  • Ngoài ra nó còn biết đến nhằm chống viêm, kháng viêm, lợi tiểu, thoát mồ hôi cơ thể.

Theo Y học cổ truyền:

Hương phụ với tuỳ từng phương pháp sao chế khác nhau thì tính năng dược lý cũng khác nhau. Cụ thể:

  • Hương phụ dùng trực tiếp không qua chế biến giúp giải cảm.
  • Hương phụ khi tẩm nước muối sẽ trị các bệnh về huyết.
  • Hương phụ khi ngâm nước tiểu trẻ em rồi sao lên sẽ giúp giáng hoả trong chứng bốc nóng.
  • Hương phụ tẩm rượu sẽ giúp tiêu đờm.
  • Hương phụ khi qua tẩm giấm và sao sẽ giúp tiêu các tích tụ, dùng cho đối tượng huyết ứ, u báng.
  • Hương phụ khi sao đen sẽ giúp cầm máu, dùng cho phụ nữ rong kinh.
  • Hương phụ dùng để chữa các bệnh lý của phụ nữ.

Dược liệu Hương phụ

Tính vị, Quy kinh

Hương phụ có vị cay hơi thiên đắng, hơi ngọt. Tính bình.

Dược liệu quy kinh vào Can, Tam tiêu.

Trong các ghi chép Y học cổ có đề cập đến tính vị và quy kinh của dược liệu như sau:

Theo sách Danh y biệt lục ghi vị ngọt hơi hàn, không độc.

Theo sách Trần Nam bản thảo ghi tính hơi ấm, vị cay.

Theo sách Bản thảo cương mục đề cập là vị cay hơi đắng hơi ngọt, khí bình. Quy kình Thủ túc Quyết âm, thủ thiếu dương, kiêm hành 12 kinh nhập mạch phần khí.

Theo sách Lôi công bào chế dược tính giải vị thuốc nhập vào 4 kinh phế, can, tỳ, vị.

Theo sách Bản thảo cầu chân quy kinh vào can đởm kiêm nhập phế.

Bài thuốc ứng dụng Hương phụ 

Các bài thuốc được sử dụng phổ biến trong dân gian từ dược liệu Hương phụ bao gồm:

Bài thuốc Tiểu ô trầm thang:

Công dụng: Trị đau sườn ngực, đau bao tử cơ năng.

Chuẩn bị: Dùng 8g Hương phụ, 10g Ô dược, 4g Cam thảo.

Cách làm: Sắc các dược liệu trên lấy nước thuốc uống hàng ngày.

Bài thuốc trị hàn khí thống:

Chuẩn bị: 10g mỗi vị Hương phụ, Lương khương.

Cách làm: Sắc uống hàng ngày.

Bài thuốc trị đau ngực sườn:

Chuẩn bị: 10g Hương phụ, 8g Diên hồ sách.

Cách làm: Sắc các dược liệu trên lấy nước dùng.

Bài thuốc chữa rối loạn kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh:

Chuẩn bị: Dược liệu hương phụ đã qua tứ chế 15g, Trần bì, Ngải diệp mỗi vĩ 15g, Nguyệt quý hoa 2 đoá.

Hoặc 20g Hương phụ, 10g Ích mẫu thảo.

Cách làm: Sắc dược liệu lấy nước thuốc uống.

Bài thuốc chữa chứng rối loạn tiêu hoá, chán ăn:

Thành phần: 6g mỗi vị Hương phụ, Chỉ thực; 10g mỗi vị Bạch truật, Trần bì, Phục linh, Bán hạ, Sinh khương, Hậu phác; 5g mỗi vị Mộc hương, Hoắc hương, Đậu khấu nhân; 3g mỗi vị Sa nhân, Cam thảo và 5 quả Táo

Cách làm: Sắc các dược liệu trên lấy nước dùng hàng ngày.

Bài thuốc an thai cho phụ nữ mang bầu, giảm nghén, chán ăn, nằm ngồi không được:

Thành phần: 80g Hương phụ, 8g mỗi vị Hoắc hương và Cam thảo.

Cách làm: Tán các dược liệu trên thành dạng bột, mỗi lần dùng 8g hoà với nước lọc và một ít muối.

Bài thuốc trị khó tiêu, đầy trướng bụng:

Thành phần: 8g Hương phụ, 4g Hải tảo, rượu vừa đủ.

Cách làm: Sắc lấy nước uống và ăn bã hải tảo.

Bài thuốc điều hoà kinh nguyệt:

Thành phần: 9g hương phụ đã sao chế, 20g ích mẫu thảo và hồng đưỡng mỗi vị.

Cách làm: Lấy hương phụ và ích mẫu sắc trước cho đến khi sôi đều thì lọc bỏ bã, thêm hồng đường uống liên tục trong 3-5 ngày.

Bài thuốc trị sa trực trường:

Thành phần: Hương phụ, Kinh giới tuệ với liều lượng bằng nhau.

Cách làm: Tán 2 vị thuốc trên thành bột mịn, mỗi lần uống 8g.

Bài thuốc chữa mộng tinh lâu ngày không khỏi:

Thành phần: 500g Hương phụ, 180g phục linh.

Cách làm: Ngâm hương phụ với nước vo gạo qua đêm, vớt ra, lọc rễ. Sao chế với rượu, đồng tiện, sữa bò, nước muối, nước đậu đen trong 1 đêm rồi đem sấy khô, cho phục linh vào để tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng thì trộn với mật ong 10g làm thành hoàn. Uống 1 hoàn mỗi ngày vào buổi tối với nước muối pha loãng.

Bài thuốc trị đau bụng kinh:

Thành phần: 15g mỗi vị Hương phụ, Ngải diệp, Trần bì, 2 đoá Nguyệt quỳ hoa.

Hoặc: 20g Hương phụ, 10g Ích mẫu thảo.

Cách làm: Sắc các dược liệu trên lấy nước uống dần.

Bài thuốc Trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mãn tính, các bệnh lý phụ nữ trước và sau sinh:

Thành phần: 20g Hương phụ, 25g Ích mẫu, 10g Ngải diệp, 15g Nhân trần, 500ml nước.

Cách làm: Sắc dược liệu trên với nước đến khi cạn còn 150ml thì dùng mỗi ngày 1 thang.

Những điều lưu ý khi sử dụng Hương phụ

Những trường hợp sau không nên sử dụng vị thuốc này:

  • Bệnh nhân có dấu hiệu âm hư huyết nhiệt, khí hư.
  • Đối tượng xuất hiện hiện tượng khí trệ.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú thời kỳ đầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc trước khi sử dụng dược liệu.
  • Nên chú ý khi dùng kết hợp dược liệu khi đang sử dụng một thành phần thuốc khác vì có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo