Ngưu tất

Thu gọn
Mục lục

Thiên nhiên luôn tiềm ẩn những điều kỳ diệu đang dần được con người khám phá và khai thác ra. Cây cỏ xước cũng là một điều kỳ diệu mà thiên nhiên mang đến cho cuộc sống, tưởng chừng chỉ là một loài cây nhỏ bé mọc hoang bên bất kỳ vệ đường nào nhưng nó lại chứa những giá trị dược liệu quý giá đối với sức khỏe của con người. Cùng tìm hiểu vì sao loài cây này lại được đánh giá cao trong Y học như thế nhé!

Những đặc điểm của cây cỏ xước

Tên gọi, phân nhóm

Cây cỏ xước hay còn được gọi bằng các tên gọi khác trong Đông Y như Nam ngưu tất, Ngưu tất hoài, cây Bách Bội, Hoài Ngưu Tất, Cỏ Ngưu Tịch..

 Đây là loại thực vật thuộc họ Rau dền tiếng Anh là Amaranthaceae. Tên khoa học của cây cỏ xước là Achyranthes aspera L được nhà thực vật học cùng tên ghi nhận lần đầu vào năm 1753.

Cây cỏ xước có mấy loại?

Các nhà thực vật học đã nghiên cứu và phân loại cỏ xước thành 4 loại chính đó là: Cỏ xước lông trắng (Achyranthes aspera var. argentea), Cỏ xước xù xì ( Achyranthes aspera var.aspera), Cỏ xước Ấn Độ ( Achyranthes aspera var.indica), Cỏ xước màu xám đỏ ( Achyranthes aspera var.robo fusca). 

Trong số các loại cỏ xước này thì cỏ xước lông trắng mang nhiều hàm lượng dưỡng chất nhất đồng thời nó giữ được nguyên vẹn dược tính sau quá trình sơ chế và dễ bảo quản. Do vậy nên cỏ xước lông trắng được sử dụng phổ biến trong Y học để điều chế thuốc chữa bệnh. Bài viết này sẽ tập trung mô tả cỏ xước lông trắng và các đặc điểm, lợi ích của nó đối với cơ thể con người.

Đặc điểm sinh thái

Cỏ xước hay ngưu tất là một thực vật mọc hoang và có sức sống tương đối mãnh liệt.

Cỏ xước phát triển mạnh mẽ nhất ở các khu đất ẩm ướt, vùng khí hậu liên nhiệt đới.

Một khi được biết đến với các công dụng chữa bệnh đối với con người, cỏ xước đang ngày được gieo trồng rộng rãi khắp nơi bằng cách lấy hạt giống, gieo vào các tháng 9, 10 ở các vùng đồng bằng và tháng 2,3 ở các vùng miền núi. Sau 6 tháng thì đã có thể thu hoạch làm dược liệu.

Mô tả

Hẳn cây cỏ xước không còn xa lạ gì với mọi người bởi loài cây này mọc hoang ở ven đường rất phổ biến. Cây là thực vật thân thảo sống lâu năm, thân mềm chỉ cao tầm 1m. Lá cây hình trứng, mép lượn sóng, mọc đối nhau.

Mùa hè là thời điểm ra hoa cỏ xước, hoa nhiều, cánh hoa màu tím nhạt mọc thành bông ở đầu mỗi ngọn cây với chiều dài 20-30cm. Cây ra quả với hình túi, thành mỏng, hạt hình trứng dài.

Phân bổ

Tại Việt Nam thì cây cỏ xước phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh đồng bằng bắc bộ và những có khí hậu thuận lợi như Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên. Hiện nay thì rất nhiều địa phương đã quy hoạch để trồng cây cỏ xước nhằm cung ứng loại thảo dược này nhằm sản xuất thành dược liệu chữa bệnh.

Thành phần hoá học

Trong các ghi chép khoa học đã chỉ ra những thành phần hoá học có trong cây cỏ xước là 81.9% nước, 9.2% glucid, 3.7% protid, 2.9% chất xơ, 2.6% caroten, 2.3% tro, 2.0% vitamin C…

Đặc biệt, trong rễ cây cỏ xước chứa thành phần acid oleanolic (saponin) , hạt chứa chất saponin oleanolic, saponin oligosaccharide, acid oleanolic và hentriacontane

Vị thuốc Cỏ xước ( Ngưu tất bắc)

Tính vị

Trong các sách Y học cổ truyền ghi chép lại tính vị của vị thuốc ngưu tất bắc là vị đắng, chua, tính mát

Quy kinh

Cỏ xước được biết quy vào các kinh Can, Thận.

Tác dụng dược lý của cây cỏ xước

Theo Y học cổ truyền:

Với tính vị như trên nên cỏ xước thường được dân gian dùng để thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm trong cơ thể. 

Chất saponin có trong rễ cỏ xước giúp phá huyết và làm vón albumin.

Cây cỏ xước ở Ấn Độ được cho rằng dùng để lọc máu, lợi tiểu, hạt cây gây nôn, nước sắc từ rễ cây làm săn da. Thêm vào đó tại đây chúng còn được dùng để trị bệnh trĩ, nhọt, phát ban, rắn cắn, phù nề.

Ở Việt Nam thì dược liệu này với mỗi bộ phận thì được sử dụng để đặc trị các bệnh lý khác nhau như: Hạt trị chứng sợ nước; các bộ phận còn lại có thể chữa sốt rét, sổ mũi, lỵ, quai bị, viêm thận phù thũng, bí tiểu, đái dắt, đái buốt, đau bụng kinh, vô kinh, rối loạn kinh nguyệt, thấp khớp,..

Theo Y học hiện đại:

Thấy được những thành phần hoá học có lợi cho cơ thể con người như vậy nên rất nhiều công trình nghiên cứu đã đem lại kết quả cụ thể về công dụng của loại thảo dược này:

Một số nhà nghiên cứu tại Trung Quốc chỉ ra công dụng tăng cường tổng hợp protein trong cơ thể của cây cỏ xước.

Khi thử nghiệm một lượng dịch chiết xuất cồn cỏ xước ở ếch cho thấy tác dụng ức chế tim, giãn mạch máu từ đó hạ áp và hưng phấn các cơ ở tử cung.

Khi phân tách chiết xuất từ dược liệu cỏ xước, các nhà khoa học phát hiện chất saponin có tác dụng kích thích việc co bóp cơ trơn ở tử cung, giảm đau bụng kinh và lưu thông khí huyết hiệu quả.

Khi dùng cỏ xước thử nghiệm trên chuột cho thấy tác dụng chống đông máu, giảm độ dính máu.

Hoạt chất Ecdysterone có trong loại thảo dược này còn có công dụng giảm lượng đường và mỡ trong máu, hỗ trợ quá trình giảm cân và béo phì hiệu quả.

Ngoài ra được biết đến với công dụng chống viêm, giảm đau và tăng cường chức năng cho hệ miễn dịch của cơ thể. 

Sử dụng cỏ xước như thế nào?

Bộ phận sử dụng

Tất cả bộ phận của cây cỏ xước từ phần thân, lá, hoa, rễ đều có thể bào chế thành dược liệu chữa bệnh.

Thu hái, sơ chế, bảo quản cây cỏ xước

Thu hái: Người ta thu hái dược liệu này quanh năm và chủ yếu vào mùa hè thu.

Chọn thời điểm sáng sớm, thời tiết nắng ráo, những cây già đã có dấu hiệu úa vàng thì được thu hoạch rễ trước. Rễ to, mập, dài và khoẻ thì dược tính sẽ cao hơn.

Sơ chế: Sau thu rễ đem về rửa sạch đất cát, để một lúc cho ráo nước rồi cắt bỏ các phần rễ con và đầu rễ. Sau đó đem phơi khô ngoài nắng cho rễ hơi héo rồi hun với lưu huỳnh vài lần, tiếp tục phơi cho đến khi dược liệu khô hẳn.

Bảo quản: Nên trữ thuốc ở môi trường mát mẻ, thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp. Thường xuyên kiểm tra để ngừa ẩm mốc làm biến chất dược liệu.

Cỏ xước trị bệnh gì

Cỏ xước được ứng dụng để chữa trị rất nhiều bệnh lý của cơ thể. Trong đó được tận dụng nhiều nhất để điều trị các bệnh: 

  • Điều trị các bệnh xương khớp.
  • Bồi bổ gan, thận.
  • Tăng cường sức khoẻ gân cốt.
  • Lợi tiểu, thanh nhiệt.
  • Làm giảm lượng cholesterol trong máu và thúc đẩy quá trình lưu thông máu hiệu quả.
  • Hỗ trợ chữa xơ vữa động mạch.
  • Giảm đau bụng kinh, điều hoà kinh nguyệt hiệu quả.
  • Ổn định huyết áp, chữa bệnh tăng huyết áp.
  • Trị huyết hôi không thoát cho mẹ sau sinh.

Các bài thuốc chữa bệnh từ cỏ xước

Bài thuốc trị bệnh cao huyết áp:

Thành phần: 16g cỏ xước, đương quy mỗi loại, 10g nấm mèo, 20g cỏ mực, 12g mỗi vị hy thiêm và hạt muồng (đã sao vàng).

Cách làm: Sắc các dược liệu trên lấy nước, khi uống cùng với bã nấm mèo. Chia dùng 3 lần/ ngày. Uống mỗi ngày 1 thang trong vòng 20-30 ngày.

Bài thuốc trị viêm gan, viêm thận:

Thành phần: 15g mỗi loại cỏ xước, tháp bút, mộc thông, mã đề, sinh địa, rễ cổ tranh.

Cách làm: Cho tất cả các dược liệu trên vào nước vừa đủ rồi sắc lấy nước, chia thành 3 lần uống mỗi ngày.

Bài thuốc trị sốt cao, sổ mũi:

Thành phần: 30g mỗi vị cỏ xước, đơn buốt, lá diễn.

Cách làm: Sắc với nước vừa đủ, chia uống 2-3 lần/ngày

Bài thuốc trị các bệnh lý về cột sống:

Thành phần: 20g cỏ xước, 16g tang ký sinh, 8g quế chi, 6g cam thảo, 12g độc hoạt.

Cách làm: Sắc các thảo dược trên lấy nước thuốc rồi chia làm 3 lần uống/ ngày. Uống liên tục trong vòng 10 đến 15 ngày.

Bài thuốc trị viêm cầu thận:

Thành phần: 30g rễ cỏ xước, 15g mỗi loại rễ cỏ tranh, mã đề.

Cách làm: Sắc các dược liệu trên thành thuốc rồi chia nước thành 3 lần uống/ngày.

Bài thuốc trị mụn, làm đẹp da từ cây cỏ xước:

Cách làm: Rửa sạch lá cỏ xước rồi giã nhuyễn làm thành hỗn hợp đắp lên mặt tầm 20 đến 30 phút. Đắp 2 lần/ tuần trước khi ngủ.

Trên đây là các bài thuốc được sử dụng phổ biến trong dân gian từ cỏ xước để hỗ trợ điều trị bệnh. Ngoài ra cỏ xước còn có tác dụng trị bệnh gout, máu nhiễm mỡ, tiểu đường,..rất hiệu quả.

Những điều lưu ý khi sử dụng cỏ xước cần biết

Những đối tượng liệt kê dưới đây không nên dùng cỏ xước nếu không có sự chỉ định của y bác sĩ:

  • Phụ nữ có thai bởi thành phần trong dược liệu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thêm nữa, phụ nữ cho con bú cũng nên hạn chế sử dụng bởi có thể gây tác dụng phụ không mong muốn.
  • Xuất hiện hiện tượng băng huyết hay ra nhiều máu của chị em phụ nữ thì không nên dùng. 
  • Không dùng dược liệu trong kỳ kinh nguyệt.
  • Nam giới mắc di tinh, mộng tinh, hoạt tinh dùng ngưu tất sẽ làm tình trạng trầm trọng hơn.
  • Đối tượng tiêu chảy do tỳ hư không nên dùng.
  • Những người mắc bệnh dạ dày, tiêu hoá cần thận trọng khi sử dụng.

Ngưu tất hay cỏ xước cần được sử dụng với đúng liều lượng để không gặp các tác dụng phụ không mong muốn như tiêu chảy, đi ngoài kéo dài, đau bụng,..

Trong cỏ xước có chứa thành phần hoá học ecdysterone gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam và nữ giới.

Mua cỏ xước ở đâu? Giá bán ngưu tất?

Hiện nay thì cỏ xước được bán rộng rãi trên các hiệu thuốc Đông Y trên toàn quốc với giá bán dao động từ 100.00-150.000đ/kg.

 

Hy vọng những thông tin trên đây từ dược liệu cỏ xước- ngưu tất sẽ giúp bạn đọc có những hiểu biết y khoa cơ bản để đưa ra quyết định sử dụng thông minh vị thuốc này.

 

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo