Tam thất

Thu gọn
Mục lục

Tam thất là dược liệu rất quen thuộc trong các bài thuốc dân gian được biết đến với công dụng bồi bổ khí huyết, cầm máu, tiêu máu ứ,...Thế nhưng tam thất không chỉ có tác dụng bổ huyết mà còn mang nhiều dược tính hỗ trợ điều trị rất nhiều các bệnh lý khác mà không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm các thông tin bổ ích về thảo dược này để người dùng tận dụng vị thuốc hiệu quả nhất!

Tìm hiểu về loài cây tam thất

Tên gọi 

Cây tam thất hay còn được gọi là sâm tam thất, kim bất hoán, điền thất nhân sâm là một thảo dược thuộc họ Ngũ gia bì- Araliaceae. Loài cây này được Wall. ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1829 với tên khoa học là Panax pseudoginseng (Burk).F.H.Shen. 

Để giải thích cái tên Tam thất, tác giả Võ Văn Chi đã viết trong cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam ( nhà xuất bản Y học năm 1997) rằng tên gọi này có thể là do đặc điểm hình thái cây thường mọc 3 hoặc 7 lá chét ở mỗi cuống. Cũng có một cách lý giải khác là sau 3 năm gieo trồng cây tam thất sẽ cho hoa và thời điểm thu củ thích hợp nhất là 7 năm.

Mô tả dược liệu

Tam thất là thực vật thân cỏ, sống lâu năm. Lá cây màu xanh sẫm, mọc vòng từ 3 lá một. Cuống dài từ 3 đến 6cm, mỗi cuống với 3 hoặc 7 lá chét dạng mác dài, rìa mép lá có các răng cưa nhỏ.

Tam thất cho hoa từ tháng 5 đến tháng 7, hoa tam thất màu lục hơi ngả vàng, mọc thành tán đơn ở các ngọn thân cây. Cây cho quả vào tháng 8 đến tháng 10. Quả tam thất mọng dạng cầu dẹt, khi chín chuyển đỏ chứa hạt màu trắng.

Hầu hết toàn cây tam thất đều có thể sử dụng làm dược liệu. Tuy nhiên thì rễ củ của thảo dược này là bộ phận chứa nhiều dưỡng chất nhất. Rễ càng trồng lâu năm thì mang giá trị dược tính càng cao. Dược liệu rễ thường có dạng hình trụ, độ dài dao động từ 1.5-4cm, đường kính trung bình 1-2cm. Vỏ củ rất cứng, màu vàng hơi ngả xám nhạt, bề mặt xuất hiện những nếp nhăn nhỏ chạy dọc thân củ. Có thể tách riêng phần này ra khỏi phần lõi rễ. Rễ của tam thất có mùi thơm đặc trưng.

Hình thức sinh thái

Tam thất rất ưa sống ở môi trường ẩm, mát, dưới bóng râm. Loại cây này thường được tìm thấy ở các vùng núi với độ cao trên 1.500m và có thể tồn tại được ở nền nhiệt độ thấp.

Phân bố

Người ta tìm thấy tam thất ở các vùng núi ở phía Nam Trung Quốc và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, nơi có khí hậu lạnh và vùng núi cao như tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng...

Người dân thường trồng cây ở những nơi sườn núi ít gió mạnh, cần thiết làm giàn che nắng mưa và sử dụng hàng rào bảo vệ chống chuột, sóc và côn trùng đến ăn củ.

Thành phần hoá học

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra được những thành phần hoá học có trong cây tam thất bao gồm: Saponin chiếm tới 4,42%-12%, nhóm ginsenoside ( Rb1, Rb2, Rb3, Rc, Rd, Re, Rg1, Rg2-Rh, glucose ginsenoside),..

Khi chiết xuất tinh dầu ở rễ cây tam thất có chứa flavonoid, phytosterol (β-sitosterol, stigmasterol, daucosterol, polysaccharide, muối vô cơ,..

Ngoài ra, khi qua công nghệ chiết tách thành phần của dược liệu người ta phát hiện thêm 16 loại acid amin gồm: phenylalanine, leucine, isoleucine, valine, proline, histidine, lysine, cysteine… và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như Ca, Fe,...

Bộ phận sử dụng

Toàn cây tam thất từ thân, lá, hoa, rễ,.. có thể sử dụng để chữa bệnh. Tuy nhiên thì bộ phận thường được dùng nhất là phần rễ củ của cây.

Thu hái, sơ chế, bảo quản

Thu hái: Hoa tam thất có thể thu hoạch làm dược liệu sau 3 năm trồng còn với củ tam thất thì thời gian thích hợp nhất là 7 năm, đào lấy rễ trước khi cây ra mùa hoa tiếp theo. Rễ củ tam thất càng trồng thời gian dài thì càng to và cho nhiều dưỡng chất.

Sơ chế: Sau khi thu hái về rửa sạch. Đối với rễ thì cần cắt bỏ các rễ con rồi đem phơi nắng hoặc sấy khô.

Bảo quản: Bảo quản dược liệu tại nơi khô thoáng, tránh mối mọt, ẩm mốc làm ảnh hưởng tới dược tính.

Tác dụng của tam thất

Củ tam thất có tác dụng gì?

Nhờ vào những thành phần dưỡng chất được tìm thấy ở vị thuốc này, người ta đã ứng dụng thảo dược tam thất với các công dụng cụ thể sau:

  • Tam thất giúp cầm máu, bổ huyết:

Trong tất cả các bài thuốc Đông Y cho đến thời điểm hiện tại thì tam thất được xem như là một vị thuốc dưỡng huyết tốt nhất. Sử dụng tam thất giúp cầm máu, tiêu máu, giảm sưng. Thường được ứng dụng trong các trường hợp chấn thương chảy nhiều máu, máu ứ đọng do phẫu thuật hay va chạm các mô mềm gây bầm tím,...

  • Tam thất tốt cho sức khoẻ hệ thần kinh, giải toả căng thẳng, trầm uất, kích thích thần kinh trung ương và tăng cường trí nhớ.

Thành phần Saponin chiếm rất nhiều trong tam thất có tác dụng tăng cường sức khỏe hệ thần kinh hiệu quả. Đồng thời nó giúp ngăn ngừa tai biến mạch máu não, làm tan máu đông và hỗ trợ hoạt huyết, lưu thông máu.

  • Tam thất làm chậm quá trình lão hoá của cơ thể

Thành phần Saponin kết hợp cùng hoạt chất Flavonoid ngăn ngừa hiện tượng oxy hóa, chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa hiện tượng lão hoá và hỗ trợ hoạt động vận hành của các cơ quan chức năng trong cơ thể. 

  • Vị thuốc Tam thất bảo vệ hệ tim mạch và tăng cường sức khỏe não bộ.

Trong tam thất có chứa hợp chất của noto ginsenosid giúp ngăn ngừa các nguy cơ xơ vữa động mạch vành, hạn chế các tổn thương ở phần vỏ não do thiếu máu gây ra, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi cung cấp không đủ lượng oxy cần thiết,..

  • Tam thất có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh lý ung thư

Hai hoạt chất Saponin và Flavonoid kể trên còn mang công dụng ngăn ngừa và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, các khối u bướu,... Từ đó tăng cường sức đề kháng về sức khoẻ cho hệ miễn dịch, kéo dài sự sống cho người bệnh.

  • Sử dụng thuốc tam thất điều hoà kinh nguyệt cho phụ nữ

Tam thất giúp điều chỉnh lại nội tiết tố trong cơ thể điều hoà ổn định chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời giảm đau bụng kinh, bổi bổ khí huyết cho cơ thể người phụ nữ.

  • Tam thất giúp điều tiết lượng đường huyết

Thành phần Saponin có rất nhiều công dụng đối với cơ thể. Hơn nữa, khi kết hợp cùng với Insulin có trong tam thất còn giúp điều tiết đường huyết ổn định hơn.

Nụ hoa tam thất có tác dụng gì?

Ngoài phần rễ củ được ứng dụng để chữa bệnh thì nụ hoa tam thất cũng đem lại lợi ích cho cơ thể con người như: 

  • An thần, giảm chứng mất ngủ, khó ngủ.
  • Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị người huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não.
  • Giúp ổn định đường huyết, giảm cholesterol trong máu và gan.
  • Thanh nhiệt cơ thể, giải độc và bảo vệ gan.
  • Ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, co thắt ngực,..
  • Hỗ trợ đẹp dáng, giảm cân.

Vị thuốc tam thất

Tính vị

Trong các sách Đông Y đề cập Tam thất mang vị ngọt, hơi đắng, tính ôn.

Quy kinh 

Dược liệu Tam thất quy vào các kinh Can, Phế, Vị, Tâm.

Phân loại dược liệu

Người ta thường phân loại vị thuốc tam thất dựa theo dược tính hoặc cách sơ chế, sử dụng của nó.

Khi phân loại bằng dược tính thì có 2 loại chính là:

  • Củ tam thất bắc: đây là loại rễ củ với dược tính cao, hình dạng không cố định, vỏ sần sùi, thân dài. Củ từ cây tam thất trồng phổ biến ở miền Bắc nước ta có màu vàng nâu. Vị thuốc đắng, khi ngâm một thời gian sẽ chuyển ngọt, tính nóng thường dùng để bồi bổ và cầm huyết.
  • Củ tam thất nam: loại củ này ứng dụng ít trong chữa bệnh vì dược tính không cao, giá thành rẻ. Rễ củ thuốc này dạng giống củ khoai tây với kích thước nhỏ, bề mặt thường có các vết lõm vào. Củ tam thất bắc thường màu trắng ngà, vị cay tính nóng giống gừng.

Tam thất phân loại theo cách sơ chế, sử dụng:

  • Củ tam thất tươi: Sau khi thu hái tự nhiên thì củ tam thất được sử dụng trực tiếp làm thuốc mà không qua bất kỳ công đoạn sơ chế nào khác. Củ tam thất tươi thì giữ nguyên được dưỡng chất và hiệu quả chữa bệnh cao nhưng lại không được sử dụng trong thời gian dài bởi rất dễ hư hỏng.
  • Củ tam thất khô: Sau khi thu hoạch sẽ được rửa hết đất cát rồi mang đi phơi hoặc sấy khô. Tuy dưỡng chất không nguyên vẹn như củ tam thất tươi nhưng tác dụng chữa bệnh vẫn đảm bảo và thời gian sử dụng lâu hơn.

Đối tượng nên sử dụng vị thuốc tam thất để tăng cường sức khoẻ

  • Những người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy.
  • Đối tượng thường xuyên căng thẳng, stress.
  • Người thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động.
  • Những người cao tuổi, huyết áp cao, mất ngủ, mỡ máu cao,..
  • Phụ nữ sau sinh, thiếu máu, cơ thể mệt mỏi.
  • Phụ nữ mắc chứng rối loạn kinh nguyệt.

Bài thuốc ứng dụng tam thất 

Bài thuốc chữa suy nhược cơ thể

Thành phần: 12g tam thất, 40g mỗi vị sâm bổ chính, ích mẫu; 20g kê huyết đằng, 12g hương phụ.

Cách làm: Tán nhỏ dược liệu, mỗi ngày sắc 30g hỗn hợp này uống.

Bài thuốc giảm đau bụng kinh, trị máu kinh ra nhiều

Thành phần: 6-8g tam thất.

Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang, uống trước kỳ kinh 1 tuần.

Bài thuốc trị tiểu ra máu

Thành phần: 4g bột tam thất, nước sắc cỏ bấc đèn, gừng tươi.

Cách làm: Sắc các dược liệu uống ngày 2 lần.

Bài thuốc chữa đau thắt ngực

Thành phần: 6g bột tam thất, 500ml nước lọc.

Cách làm: Đun nước để ấm rồi hoà cùng bột tam thất. Ngày dùng 1 lần trước hoặc sau bữa ăn 30 phút.

Những điều lưu ý khi sử dụng tam thất

  • Cần cẩn thận khi cho trẻ nhỏ dùng thuốc tam thất.
  • Đối tượng tiêu chảy tuyệt đối không sử dụng.
  • Mẹ trong thời kỳ mang bầu và những tháng đầu sau sinh thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc người có chuyên môn trước khi quyết định sử dụng. 

Tam thất giá bao nhiêu?

Giá vị thuốc Tam thất tuỳ thuộc vào chủng loại, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, kích thước, năm tuổi của dược liệu. 

  • Tam thất nam: từ 250.000-350.000 VNĐ/kg.
  • Tam thất bắc: từ 550.000-2.000.000 VNĐ/kg.
  • Tam thất rừng: >5.000.000 VNĐ/kg.

Giá của Tam thất sẽ chênh lệch đôi chút ở các điểm bán khác nhau.

Bạn có thể tìm mua vị thuốc này ở các hiệu thuốc Đông Y, các phòng chẩn trị Y học cổ truyền hoặc những nơi phân phối dược liệu uy tín. Nên nhớ kiểm tra chất lượng và nguồn gốc của dược liệu trước khi quyết định mua để đảm bảo hiệu quả nhất.

 

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo