Thục địa

Thu gọn
Mục lục

Kho tàng thuốc Đông Y có vô vàn những loại dược liệu quý mang lại giá trị sức khỏe cao đối với con người. Thục địa cũng vinh dự nằm trong danh sách đó. Trải qua thật nhiều công trình nghiên cứu và bào chế khác nhau, thục địa đang ngày càng được các thầy thuốc, bác sĩ và những người chuyên môn tin tưởng làm thuốc chữa bệnh. Vậy thục địa là gì? Vì sao thục địa lại tốt cho cơ thể con người? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp về loại dược liệu này, mọi người cùng theo dõi nhé!

Đặc điểm cây Thục địa

Tên gọi

Thục địa là bộ phận rễ Sinh địa của của Địa hoàng đã qua chế biến, được ghi nhận lần đầu tiên ở tập 27 sách Bị ấp thiên kim yếu phương với tên Thục can địa hoàng.

Loài thực vật này có tên khoa học là  Rehmannia glutinosa  (Gaertn), ghi danh trong họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

Ngoài cái tên Thục địa, vị thuốc này còn được biết đến với các tên gọi khác như Cửu chưng thục địa sa nhân, Địa hoàng, Sao tùng thục địa, Cửu chưng thục địa sa nhân, Thục địa hoàng,..

Loại thuốc này chủ yếu được biết đến với công dụng bổ thận hiệu quả.

Mô tả cây Thục địa

Cây địa hoàng là cây dạng thân thảo sống lâu năm. Thân cây cao từ 20 đến 30cm. Vỏ thân cây được bao phủ một lớp lông trắng và rất mềm. 

Lá cây hình trứng, thường mọc túm dưới gốc cây và đối nhau ở các đốt thân. Mép lá dạng răng cưa không đều, mặt lá nhiều nếp nhăn. Càng xuống dưới gốc thì lá càng dài và hẹp.

Hoa loại cây này mọc thành chùm ở trên các ngọn thân cây, dạng đài chuông, 5 cánh có màu đỏ tím ở mặt ngoài còn mặt trong của hoa màu vàng và chứa các gân tím.

Mỗi cây địa hoàng có từ 5 đến 7 củ rễ, củ này có cuống rìa và màu đỏ nhạt bên ngoài vỏ. Cây cho quả hình tròn trứng có cánh đài bao úp, bên trong nhiều hạt dạng hình trứng, vỏ màu nâu.

Phân bố

Thục địa xuất hiện nhiều ở Trung Quốc và các địa phương ở Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc như Lào Cai, Cao Bằng,..

Thành phần hoá học

Các nhà nghiên cứu cho biết các thành phần có trong dược liệu Thục địa chủ yếu bao gồm B-sitosterol, arginine,mannitol, campesterol, rehmannin, stigmasterol,catalpol, glucose…

Trong các sách thuốc Đông Y lại chỉ ra trong Thục địa có chứa alcaloid.

Ngoài ra từ thục địa còn chiết xuất ra thành phần catalpol có khả năng hạ tấp đường huyết trên động vật. Kết quả này đang được nghiên cứu sâu hơn để áp dụng sử dụng trên cơ thể con người.

Cách sử dụng

Bộ phận sử dụng

Cây địa hoàng có chứa củ, khi thu hoạch phơi khô thì được gọi bằng tên sinh địa.

Bộ phận sinh địa này sẽ được chế biến thành dược liệu bằng nhiều cách. Đấy chính là vị thuốc Thục địa ( Radix Rehmanniae) mà chúng ta nhắc đến trong bài viết này.

Phương pháp chế biến dược liệu Thục địa

Quá trình hay phương pháp bào chế vị thuốc rất quan trọng bởi nó sẽ quyết định đến chất lượng cũng như hiệu quả điều trị.

Theo hướng dẫn của các tài liệu Y học cổ, việc chế biến dược liệu này được thực hiện như sau:

  • Phương pháp này trong cuốn Lôi Công Bào Chích Luận ghi lại với các tên Cửu chưng cửu sái: Đầu tiên, chọn sinh địa củ rắn chắc, màu đen huyền, to, các thớ dai. Tẩm củ sinh địa với rượu Sa nhân ( được ngâm với liều lượng 700g sa nhân và 10 lít rượu trắng). Sau một đêm thì cho vào nào đồ thật kỹ khoảng 1 ngày đêm rồi đem ra ngoài phơi nắng. Sau phơi lại tẩm, đồ, phơi làm với 9 lần quy trình như trên. 
  • Theo phương pháp Bào chế Đông Dược: Rửa sạch 10kg Sinh địa rồi để cho ráo nước. Nấu 5 lít nước, 300g bột sa nhân đến khi cạn còn 4.5 lít. Chắt lấy nước trên để tẩm củ Sinh địa, xếp vào thùng men và nấu trực tiếp với nước Sa nhân còn lại. Có thể thêm 100g gừng tươi đã giã nhỏ và nước sôi ngập dược liệu rồi nấu trong 2 ngày 2 đêm cho chín kỹ. Chú ý mỗi khi nước cạn là phải bổ sung đảm bảo nước ngập củ. Thường xuyên đảo dược liệu cho mềm đều, lần nấu cuối thì để cho cạn còn ½ lượng nước ban đầu. Lúc này vớt củ Sinh địa ra cho ráo nước. Sau đó lại lấy nước nấu cùng Sinh địa vừa nãy với tỉ lệ 1 lít nước 500ml rượu, tẩm bóp rồi đồ thêm 3 giờ đồng hồ rồi lại đem phơi cho ráo nước. Lặp lại quy tình vừa rồi với 9 lần tẩm, đồ, phơi để dược tính tốt nhất.

Các thầy thuốc còn sáng chế ra rất nhiều các bào chế Thục địa khác nhau. Trên đây là 2 cách thường sử dụng để bào chế dược liệu này mà bạn có thể tham khảo.

Bảo quản

Sau bào chế cần bảo quản thục địa nơi môi trường kín. 

Người ta thường sẽ trữ trong bình kín đóng chặt nắp để côn trùng, mối mọt, sâu bọ không xâm nhập vào làm hư hỏng dược liệu.

Mỗi lần dùng thì thái lát thành các miếng mỏng, nấu thành cao hoặc sấy khô tuỳ vào mục đích sử dụng.

Công dụng của Thục địa

Tác dụng dược lý

Theo ghi chép của các sách Đông Y, Thục địa có những tác dụng dược lý sau:

  • Tác dụng kháng viêm: Trung dược học ghi lại kết quả thực nghiệm dùng nước sắc địa hoàng kháng và giảm viêm đối với chuột cống.
  • Tác dụng đối với đường huyết: Trung dược học cũng đề cập đến báo cáo cho rằng địa hoàng gây tăng đường huyết ở chuột cống, nhưng khi dùng với liều lượng tương tự ở thỏ lại không gây ảnh hưởng gì tới đường huyết.
  • Tác dụng với hệ miễn dịch: Cũng từ Trung dược học nói về tác dụng ức chế chức năng vỏ tuyến thượng thận Corticoid.
  • Trung dược học chỉ ra nước sắc từ địa hoàng có công dụng cường tim, hạ áp, bảo vệ gan, cầm máu, lợi tiểu, ngăn nấm, chống chất phóng xạ.

Tính vị

Tính vị của vị thuốc này theo ghi chép ở cách sách thuốc cổ như sau:

Theo cuốn Bản Kinh ghi Thục địa vị ngọt, tính hàn.

Theo sách Biệt Lúc đề cập vị đắng, không độc của dược liệu.

Sách Thực Liệu Bản Thảo viết Thục địa có vị hơi hàn.

Trung Dược Đại Từ Điển chỉ ra dược liệu có vị ngọt, tính hơi ôn.

Quy kinh

Thục địa được biết quy vào các kinh Tâm, Can, Tỳ, Phế ( Theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải); 3 kinh ở chân ( Theo Bản Thảo Tùng Tân); kinh Can, Thận ( Theo Trung Dược Đại Từ Điển).

Thục địa có lợi ích gì với cơ thể?

Sử dụng Thục địa có lợi gì đối với sức khoẻ con người?

Trước hết, thảo dược này giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch: thực hiện cơ chế giảm tác dụng corticoid trên thận, bảo vệ gan, cầm máu, tốt cho hệ tim mạch, cầm máu, chống nấm khuẩn, ngăn ngừa chất phóng xạ.

Thục địa nâng cao sức đề kháng cho cơ thể: tăng lượng hồng cầu, lưu thông khí huyết, hỗ trợ các hoạt động cơ thể.

Thục địa làm giảm tình trạng sưng viêm nhờ thành phần có tính kháng viêm và phục hồi vết thương.

Dùng dược liệu này có thể giảm lượng đường trong máu, hạ huyết áp.

Là vị thuốc rất tốt cho hoạt động của thận, đồng thời bổ máu, ích khí thường được khuyên dùng cho người bị tóc bạc sớm, mắt mờ, mắc các bệnh lý về thận ...Ngoài ra thảo dược này còn hỗ trợ bồi bổ khí huyết, điều hoà kinh nguyệt và tăng khả năng thụ thai cho phụ nữ.

Đối tượng nên sử dụng dược liệu

Những đối tượng gặp tình trạng dưới đây được khuyến khích sử dụng dược liệu Thục địa để chữa bệnh:

  • Người ốm yếu, suy nhược cơ thể, thường xuyên mệt mỏi, đau đầu.
  • Người mắc chứng ra mồ hôi trộm.
  • Nam giới mắc di tinh, yếu sinh lý.
  • Người đau nhức xương khớp.
  • Người bị viêm tai, viêm răng.
  • Phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Người thận hư.

Các bài thuốc từ vị thuốc Thục địa

Bài thuốc 1: Ngâm rượu thục địa.

Công dụng: Bổ mạnh tinh huyết, bổ thận sinh tinh, bổ khí, tăng cường sức khỏe, an thần.

Chuẩn bị: 100g Thục địa, 500g đỗ trọng, 50g mỗi vị dâm dương hoắc, nhục thung dung, sinh địa, kỷ tử, quy đầu, bắc kỳ, phòng đảng sâm; 40g mỗi vị cốt toái bổ, đảng sâm, nhân sâm, xuyên tục đoạn, xuyên ngưu tất, hắc táo nhân, lộc giác giao; 30g cam cúc hoa, 20g trần bì, 30 quả đại táo. 

Cách làm: Ngâm cùng rượu để dùng.

Bài thuốc 2: Lục vị hoàn.

Công dụng: Chữa vô sinh nữ, tăng khả năng thụ thai.

Chuẩn bị: 320g Thục địa, 240g hoài sơn, 200g sơn thù, 120 mỗi vị đơn bì, trạch tả, 160g bạch linh.

Cách làm: Thục địa nấu cao pha với mật ong, các dược liệu còn lại thì tán thành bột mịn rồi trộn với hỗn hợp thục địa mật ong trên, viên lại thành 10g/hoàn. Mỗi ngày dùng 4 viên, chia làm 2 lần sáng chiều.

Bài thuốc 3: Bài thuốc Tứ vật thang.

Công dụng: Điều hoà kinh nguyệt cho phụ nữ.

Chuẩn bị: 20g mỗi vị Thục địa, đẳng sâm, bạch thược, 10g mỗi vị hoàng kỳ, đương quy, xuyên khung; 500ml nước.

Cách làm: Đem các dược liệu trên sắc đến khi nước cạn còn 2 bát thì chia làm 2 lần uống sáng chiều. 

Những lưu ý khi dùng dược liệu Thục địa

Người dùng cần chú ý những vấn đề sau khi sử dụng vị thuốc Thục địa:

  • Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, cơ thể tính hàn, bị hàn tụ.
  • Thục địa là dược liệu có tính hàn nên không được khuyên dùng với các vị thuốc như bối mẫu, thông bạch, cửu bạch, tam bạch, la bặc, phỉ bạch.

Thục địa bán ở đâu? Giá bán thục địa?

Thục địa được bán ở các hiệu thuốc Đông Y và những nơi phân phối dược liệu trên toàn quốc.

Giá bán thục địa dao động từ 120.000-180.000VNĐ/1kg.

Người dùng cần kiểm tra kỹ chất lượng dược liệu cũng như nguồn gốc xuất xứ trước khi quyết định mua sản phẩm.

 

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo