Xuyên khung

Thu gọn
Mục lục

Xuyên khung được biết đến là một trong 50 vị thuốc thông dụng nhất trong Y học cổ truyền. Lợi ích mà cây thuốc này mang lại cho sức khỏe con người là điều mà không ai có thể phủ nhận, bởi vậy nên Xuyên khung xuất hiện trong rất nhiều thang thuốc chữa bệnh nổi tiếng điển hình là bài thuốc Đông Y Tứ vật thang. Bài viết hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về vị thuốc Xuyên khung này nhé!

Đặc điểm cây Xuyên khung

Tên gọi

Trong các sách Y học cổ còn lưu trữ lại thì vị thuốc Xuyên khung còn được biết đến với các tên khác như: Đỗ khung, Dược cần, Cửu nguyên xuẩn, Xà hưu thảo, Xà ty thảo, Kinh khung (Hòa Hán Dược Khảo), Khung cùng (Bản Kinh), Hương thảo (Ngô Phổ Bản Thảo), Sơn cúc cùng (Tả Truyền), Quý cùng (Trân Châu Nang), Phủ khung (Đan Khê Tâm Pháp), Tây khung (Cương Mục), Kinh khung (Bản Thảo Đồ Kinh), Đài khung (Bản Thảo Mông Thuyên), Giả mạc gia (Kim Quang Minh Kinh), Hồ cùng, Mã hàm khung cùng (Biệt Lục), Tước não khung,...

Xuyên khung được ghi nhận khoa học lần đầu vào năm 1830 với tên khoa học là Ligusticum wallichii Franch. Thực vật này được xếp vào họ Hoa tán hay trong tiếng Anh là Apiaceae.

Đặc điểm hình thức

Xuyên khung là thực vật thân thảo sống lâu năm. Thân cây hình trụ, mọc thẳng, ruột rỗng, cao tầm 40- 70cm, mặt vỏ thân có các đường gân dọc nổi rất rõ. Lá cây mọc so le nhau, kép 2-3 lần, cuống lá dài phiến lá rạch sâu. Mùa hoa nở là tháng 7 tháng 8, hoa khá nhỏ mang màu trắng, chụm lại thành dạng tán kép, mỗi tán từ 10 đến 24 hoa nhỏ. Cây Xuyên khung cho quả vào tháng 8 tháng 9, quả xuyên khung dạng bế đôi hình trứng.

Xuyên khung có củ, đây là bộ phận chứa hàm lượng dưỡng chất dồi dào nhất. 

Củ này to bằng nắm tay với các mấu nhăn không đều nhau, đường kính trung bình dao động từ 3 đến 6cm. Dược liệu màu nâu ngả vàng với rất nhiều mấu vòng tròn hơi lồi lên. Chất vỏ cứng, bề mặt không phẳng, màu trắng xám hoặc trắng ngà mang mùi thơm đặc trưng, vị cay đắng, tê lưỡi ( Theo Dược tài học).

Hình thức sinh thái

Xuyên khung phát triển tốt ở nơi đất nhiều mùn, giàu dinh dưỡng và có pha cát.

Khi gieo trồng Xuyên khung người ta thường cắt các mắt ở thân ra, mỗi bên mắt khoảng 1 cm hoặc trồng bằng mẩu lấy từ thân rễ. Tuy nhiên thì trồng bằng mắt được ưa chuộng hơn vì nó cho củ to và đẹp mắt hơn.

Thời điểm gieo trồng thích hợp nhất là cuối xuân khi cây phát triển mạnh mẽ nhất. Nếu trồng muộn quá thì lúc cây chưa đủ sức khoẻ để chống chọi lại với mùa đông dễ chết hoặc cho củ thiếu dưỡng chất.

Phân bố

Cây Xuyên khung có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Hiện nay cây Xuyên khung đã được di thực sang nước ta và được trồng phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc khí hậu mát như Lào Cai, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng và một số tỉnh khác như Lâm Đồng, Kon Tum,..

Thành phần hoá học

Theo kết quả của các nghiên cứu khoa học thì trong dược liệu Xuyên khung có chứa các chất như alcaloid bay hơi và tinh dầu gồm các thành phần hoá học như ferulic acid, 4 hydroxy-3- butylphthalide, senkyunolide, ligustilide, tetramethylpyrazine, chuanxiong, sedanic acid..

Cách sử dụng

Bộ phận sử dụng

Vị thuốc Xuyên khung là bộ thân rễ củ của cây Xuyên khung- Rhizoma Ligustici. 

Thời điểm thu hoạch

Sau gieo trồng 2 năm thì cây mới có thể thu hoạch. Thông thường người ta thu hái dược liệu này vào khoảng cuối tháng 11, đây là lúc cây đã lụi hết lá, chỉ còn vài lá ngọn phát triển. Bởi vì đã rụng hết lá, không cần cung cấp dinh dưỡng quá nhiều nên các dưỡng chất sẽ tập trung vào phần củ rễ.

Cách sơ chế, bào chế, bảo quản dược liệu

Sơ chế: Đào lấy rễ củ.rồi đem về rửa sạch hết đất cát, đem phơi ngoài nắng hoặc sấy cho khô.

Bào chế: Khi sử dụng dược liệu thì rửa lại cho sạch, ủ 2-3 ngày hoặc có thể đồ lên trong khoảng 3 giờ đồng hồ sao cho dược liệu mềm ra. Sau đó thái thành lát hoặc bào mỏng rồi phơi khô hoặc sấy. Khi dược liệu đã tương đối khô ráo thì bỏ vào nồi sao thơm hoặc tẩm rượu 1 đếm rồi sao qua.

Bảo quản: Trữ dược liệu nơi cao, đậy kín, môi trường khô ráo. Nên lót một lớp vôi bột bên dưới. Định kỳ kiểm tra ẩm mốc và sấy diêm sinh.

Công dụng của Xuyên Khung

Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền:

Tính vị, quy kinh của vị thuốc Xuyên khung được đề cập ở trong các sách Đông Y cổ gồm:

  • Tính vị:

Theo sách Bản Kinh và Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển là vị cay, tính ấm. Theo Ngô Phổ Bản Thảo viết  “ Hoàng Đế, Kỳ Bá, Lôi Công: vị chua, không độc. Lý Cảo: Tính ôn, nhiệt, hàn”. Trong Đường Bản Thảo ghi vị đắng, cay. Bản Thảo Chính viết thuốc có vị cay, hơi ngọt, khí ấm.

  • Quy kinh:

Theo Trung Dược Học, Xuyên khung quy vào các kinh Can, Đởm. Thang Dịch Bản Thảo ghi là kinh thủ Quyết âm Tâm bào, túc Quyết âm Can, thủ Thiếu dương Tiểu trường, túc Thiếu dương Đởm.Sách Dược Phẩm Hoá Nghĩa ghi vào kinh Can, Tỳ, Tam Tiêu.

Theo kinh nghiệm của các thầy thuốc lâu năm thì vị thuốc xuyên khung có tác dụng, giảm đau, lý khí, đuổi phong, hoạt huyết 

Chủ trị các bệnh như kinh nguyệt không đều, đầu nhức, hoa mắt, bụng đầy chướng, bán thân bất toại, chân tay co quắp,..

Theo Y học hiện đại

Vị thuốc này được ứng dụng kiểm nghiệm trong y học hiện đại, cụ thể tác động đến những bộ phận sau của cơ thể:

  • Xuyên khung tác dụng với hệ thần kinh trung ương:

Chinese Herbal Medicine chỉ ra rằng khi sử dụng xuyên khung có tác dụng kéo dài tác dụng gây ngủ của chất Barbituric nhưng đồng thời không ảnh hưởng đến tác dụng kích thích của chất Caffeine.

Cũng chứng minh ở hệ thần kinh, Thụ Thượng Sư Thọ phát hiện vị thuốc này có tác dụng trấn tĩnh hệ thần kinh trung ương. Cụ thể, sử dụng tinh dầu của Xuyên khung với liều vừa phải có tác dụng ức chế sự hoạt động tại đại não. Đồng thời gây hưng phấn với trung khu vận mạch, hô hấp và sự phản xạ nơi tuỷ sống. Ngoài ra khi dùng thuốc này với liều quá cao sẽ gây tê liệt đại não, trung khu phản xạ tủy sống có thể bị ức chế. Lúc này huyết áp tụt mạnh, nhiệt độ cơ thể có thể giảm nhanh, vận động tê liệt, hô hấp khó khăn và có thể gây chết người.

  • Xuyên khung tác động ở hệ tuần hoàn:

Tinh dầu Xuyên khung khi vào cơ thể có tác dụng làm giãn mạch máu ngoại vi, tăng lưu lượng máu ở động mạch vành và hỗ trợ cải thiện tình trạng thiếu oxy cung cấp ở tim. Nếu dùng với liều cao thì sẽ làm hạ huyết áp ( Thụ Thượng Sư Thọ).

Kết quả sau nghiên cứu 27 loại dược liệu Y học cổ truyền của Lý Quảng Tuý và Kim Âm Xương cho thấy Xuyên Khung có tác dụng hạ áp rõ và kéo dài dù tiêm thuốc này vào mạch máu hay bắp thịt ở chó và mèo đã gây mê.

  • Tác dụng với mạch máu não:

Sử dụng Xuyên khung có thể hỗ trợ tăng lưu lượng máu ở não, giảm triệu chứng phù não. Bởi vậy nên nó hay được dùng để phòng ngừa thiếu máu não, trị chứng đau nửa đầu, tai điếc bộc phát do thần kinh đồng thời tránh sự hình thành các cục máu đông sau khi cấy da.

  • Xuyên khung tác dụng với tiểu cầu:

Dùng thuốc có thể ức chế sự ngưng tập của tiểu cầu và ngăn ngừa hình thành các cục máu.

  • Xuyên khung tác dụng với hệ miễn dịch:

Cũng rút ra từ thực nghiệm của Lưu Quốc Thanh và Trương Duy Tân cho thấy tác dụng của thuốc trong việc kháng sinh đối với nhiều loại vi trùng gây bệnh như lỵ sonner, thổ tả, vi trùng sinh mủ, vi trùng thương hàn,..Ngoài ra nó cũng ngăn ngừa phóng xạ, kháng khuẩn, chống nấm ngoài da và các bệnh do thiếu Vitamin E trong cơ thể.

Đối tượng nên sử dụng vị thuốc xuyên khung

Những đối tượng bệnh lý sau được khuyến khích sử dụng dược liệu Xuyên khung để hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe:

  • Người mắc chứng đau đầu thường xuyên.
  • Đối tượng suy nhược cơ thể.
  • Phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, đến kỳ, ra máu không đều.
  • Người bị thiếu máu.
  • Người cơ thể nhiễm hàn.
  • Người thường xuyên đau nhức xương khớp.

Các bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc Xuyên khung

Dưới đây là một vài bài thuốc thông dụng từ dược liệu Xuyên khung mà người đọc có thể tham khảo để chữa trị:

Bài thuốc Tứ vật thang:

Công dụng: Bồi bổ khí huyết, hoạt huyết điều kinh.

Chuẩn bị: 6-8g Xuyên khung, 12-24g Thục địa hoàng, 12-16g Bạch thược, 12-16g Đương quy.

Cách làm: Cho các dược liệu trên vào nồi với lượng nước vừa đủ rồi đun sắc lấy nước uống. Chia nước uống ngày 3 lần.

Bài thuốc chữa rối loạn kinh nguyệt từ Xuyên khung:

Chuẩn bị: 20g Xuyên khung, 10g mỗi vị Ích mẫu, Đương quy, Bạch thược, Sung uý tử.

Cách làm: Sắc các dược liệu trên lấy nước thuốc uống trong ngày.

Trà Xuyên khung giảm đau đầu:

Chuẩn bị:10g Xuyên khung.

Cách làm: Nghiền dược liệu cho nhỏ rồi hãm thành trà đặc cùng nước ấm, nấu thêm 5 10 phút là có thể dùng.

Bài thuốc từ Xuyên khung giảm đau nhức xương khớp:

Chuẩn bị: 10g Xuyên khung, 5g mỗi vị Bạc hà, Bạch chỉ, Tế tân, Cam thảo, Khương hoạt, Phòng phong, Kinh giới.

Cách làm: Đem các dược liệu sắc lấy nước thuốc uống trong ngày.

Bài thuốc từ Xuyên khung điều trị mụn nhọt:

Chuẩn bị: Xuyên khung, Khinh phấn, dầu mè.

Cách làm: Nghiền xuyên khung thành bột mịn rồi trộn chung với Khinh phấn, dầu mè thành hỗn hợp đắp lên chỗ mụn nhọt. Tuyệt đối không được nặn mụn.

Trà Xuyên khung chữa triệu chứng hoa mắt:

Chuẩn bị: 30g Xuyên khung, 30g hoè tử.

Cách làm: Nghiền nhỏ các dược liệu trên rồi hãm thành trà uống.

Lưu ý khi sử dụng Xuyên khung  dược liệu

Những đối tượng sau không nên dùng Xuyên khung:

  • Những người mắc các bệnh lý do âm hư hoả vượng, thượng thực hạ hư như nôn mửa, ho, đổ mồ hôi trộm, khô miệng, khô họng, sốt,..hoặc các bệnh đầy bụng, tỳ hư, chán ăn.
  • Người khí thăng, đờm suyễn.
  • Phụ nữ ra nhiều huyết ở kỳ kinh nguyệt, âm hư.
  • Người mắc các chứng bệnh và xuất huyết da, xuất huyết nội tạng. 
  • Phụ nữ có thai nên cẩn thận khi dùng.

Ngoài ra không nên kết hợp sử dụng vị thuốc sau khi dùng Xuyên khung: Hoàng kỳ, Hoàng liên, Hoạt thạch, Sơn thù, Lang độc..

Không nên quá lạm dụng dược liệu vì có thể gây suy giảm trí nhớ. Tốt nhất là tham khảo ý kiến của các y bác sĩ, thầy thuốc trước khi sử dụng thảo dược này.

Xuyên khung giá bao nhiêu? Mua ở đâu?

Xuyên khung là vị thuốc được sử dụng trong rất nhiều các bài thuốc chữa bệnh cổ truyền. Vì vậy bạn có thể tìm mua vị thuốc này ở hầu hết các cửa hàng thuốc Đông Y, phòng chẩn trị Y học cổ truyền, các nơi phân phối dược liệu,..

Tuy nhiên thì cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng dược liệu để đảm bảo hiệu quả sử dụng.

Hiện nay thì vị thuốc này đang được bán với giá thừ 240.000-280.000VNĐ/kg.

 

Bài viết liên quan

Thông thảo

Bồ công anh

Bạch truật

chè vằng

Đinh lăng

Hoàng Kỳ

Cam thảo