Để bé yêu nhanh chóng khỏi bệnh và sớm phục hồi thì chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên nhiều bố mẹ vẫn chưa biết trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì để con nhanh khỏi. Hãy tham khảo bài viết của MKC, các chuyên gia của chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bố mẹ.
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?
Với những trẻ dưới 6 tháng đang bú sữa mẹ: mẹ tiếp tục cho bé bú và tăng số lần bú trong ngày lên. Bú mẹ giúp bù nước, giảm thiểu tình trạng tiêu chảy, giúp trẻ bị tiêu chảy nhanh khỏi hơn. Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ nên bổ sung cho mình chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ăn nhiều hơn để đủ sữa cho con, cung cấp nguồn dinh dưỡng cho bé yêu sớm khỏi bệnh.
Với trẻ trên 6 tháng đã ăn dặm ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức mẹ cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng:
Các thực phẩm dễ tiêu hóa như bột gạo, khoai tây, sữa chua, sữa đậu nành, cà rốt, thịt gà, thịt lợn nạc, chuối tiêu, hồng xiêm,…
Nên cho bé ăn các món được chế biến dưới dạng mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, các món ninh, hầm nhừ, cơm nát. Thức ăn cho trẻ bị tiêu chảy cần được nấu kỹ. Mẹ lưu ý cho bé bị tiêu chảy ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Trường hợp bắt buộc cho trẻ bị đi ngoài ăn những thức ăn đã nấu sẵn, mẹ cần phải đun lại trước khi cho bé ăn.
Chất béo: Bữa ăn cho trẻ vẫn cần có chất béo để tăng thêm năng lượng khẩu phần. Vì trẻ đang bị đi ngoài, mẹ nên thay mỡ bằng các loại dầu ăn thực vật như dầu lạc, dầu vừng, dầu hướng dương,…
Các loại quả: mẹ nên cho trẻ bị tiêu chảy ăn thêm các loại quả chín, hoặc nước ép quả chín như: chuối, cam, xoài, hồng xiêm để tăng lượng kali. Đặc biệt, táo ninh nhừ hay táo nướng sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn.
Nước: mẹ cũng cần ghi nhớ rằng: với trẻ bị tiêu chảy, ưu tiên số một là bù nước. Cứ sau mỗi lần đi tiêu, mẹ phải cho trẻ bị đi ngoài uống bù nước ngay. Loại nước thích hợp dành cho bé bị tiêu chảy trong giai đoạn này là nước lọc, nước dừa, nước canh hay nước cháo loãng... Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể bù nước và các chất điện giải cho con bằng Oresol. Một vài loại trà cũng được các bác sĩ khuyên dùng cho bệnh nhân tiêu chảy như trà vỏ cam, trà hoa cúc. Với trà hoa cúc, hàm lượng tanin có trong trà sẽ làm giảm co thắt ruột, điều trị tốt tiêu chảy, viêm đường ruột. Trà vỏ cam cũng được cho là có tác dụng làm sạch khuẩn trong dạ dày, thích hợp cho người bị tiêu chảy.
Thực đơn tham khảo cho trẻ bị tiêu chảy
Thực đơn 1:
- Bột thịt gà nạc - bí đỏ
Bột gạo: 2 thìa cà phê
Thịt gà nạc: 20g (2 thìa)
Bí đỏ nghiền: 2 thìa cà phê
Dầu ăn ½ thìa (2,5ml)
- Chuối nghiền ½ quả
Thực đơn 2:
- Bột/cháo thịt lợn nạc + cà rốt
Bột gạo 2 thìa
Thịt lợn thăn 20g
Cà rốt nghiền 2 thìa
Dầu ăn ½ thìa
- Táo nghiền ½ quả
Thực đơn 3:
- Cháo hạt sen
- Hồng xiêm chín 1 quả
Thực đơn 4:
- Cháo gừng:
- ½ quả cam
Trẻ bị tiêu chảy không nên ăn gì?
Bên cạnh việc bổ sung các món ăn có lợi cho tiêu hóa vào chế độ ăn của trẻ, mẹ cũng cần lưu ý những thức ăn không nên cho trẻ ăn khi trẻ bị tiêu chảy. Dưới đây là danh sách những thức ăn mẹ nên tránh:
Đường hay các loại đồ ăn có chứa nhiều đường như bánh, kẹo các loại nước giải khát công nghiệp, các đồ uống có gas có thể sẽ chính là thủ phạm làm cho tình trạng tiêu chảy của trẻ ngày càng tệ hơn do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột.
Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều chất xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần) hay tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.
Tuyệt đối không cho trẻ bị tiêu chảy ăn rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, mắm tôm, mắm tép… chưa nấu chín và không uống nước lã.
Tránh những thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao như đồ ăn nhanh, đồ chiên rán vì chúng có thể làm tăng những cơn co thắt ruột và khiến những triệu chứng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.
Nên hạn chế ăn thịt bò, hải sản cho đến khi tình trạng tiêu chảy được cải thiện.
Tránh các loại thức ăn dễ lên men, sinh hơi trong ruột và khó hấp thu như trứng, sữa, phô mai, thịt mỡ.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy cần lưu ý điều gì?
Các thực phẩm nên được chế biến mềm và nghiền nhỏ để dễ tiêu hóa. Nên cho thêm 5-10ml dầu thực vật vào mỗi bữa ăn.
Cho trẻ ăn lượng thức ăn nhiều như trẻ muốn, cho trẻ ăn nhiều bữa trong một ngày, cách khoảng 3-4 giờ cho trẻ ăn một lần. Cho ăn lượng ít trong nhiều lần sẽ giúp trẻ hấp thu thức ăn tốt hơn.
Sau khi ngừng tiêu chảy, tiếp tục chế độ ăn giàu năng lượng, cung cấp thêm mỗi ngày một bữa phụ trong ít nhất hai tuần. Đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng, chế độ bữa phụ nên tăng cường đến khi trẻ đặt mức chiều cao, cân nặng bình thường.
Tránh cho trẻ ăn rau sợi thô, thịt nhiều gân xơ, hạt ngũ cốc nguyên hạt khó tiêu như ngô, đậu vì khó tiêu hóa. Không cho trẻ ăn thức ăn nhiều đường vì có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn.
Tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn chiên xào, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, bánh ngọt, bánh rán và xúc xích khi bị tiêu chảy.
Phải nấu thật kỹ các món ăn cho bé.
Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm.
Nếu bé phải bắt buộc ăn những thức ăn nấu sẵn thì phải đun lại trước khi cho trẻ ăn.
Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, đảm bảo vệ sinh dụng cụ nhà bếp khi nấu đồ ăn cho bé.
Trước khi cho trẻ ăn, rửa sạch bát, đũa, cốc, chén, thìa...rồi nhúng vào nước đun sôi.
Trên đây là những kiến thức mà các chuyên gia MKC tư vấn cho bố mẹ về chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy, những nhóm thực phẩm mà trẻ bị tiêu chảy nên ăn, những thực phẩm không nên ăn uống và những lưu ý cần thiết. Bố mẹ tham khảo để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé, giúp con nhanh chóng khỏi bệnh và phục hồi nhé! Nếu có gì còn thắc mắc hay cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng giải đáp và tư vấn cho bố mẹ. Chúc bố mẹ và các bé luôn khỏe mạnh.