Nguyên nhân tiêu chảy kéo dài ở trẻ em và cách điều trị

Thu gọn
Mục lục

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài là tình trạng tiêu chảy của bé diễn ra trên 14 ngày chưa khỏi. Tiêu chảy kéo dài không những ảnh hưởng đến tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. 

Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy kéo dài

Các nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị tiêu chảy kéo dài:

Do virus: virus Rota là virus thường gặp nhất gây tiêu chảy kéo dài ở trẻ. Bên cạnh đó các virus khác có thể gây nên tiêu chảy ở trẻ như Adenovirus, Norwalk virus.

Do vi khuẩn: E.coli gây 25% tiêu chảy, Salmonella, Campylobacter jejuni, Vi khuẩn tả Vibrio cholerae 01.

Do ký sinh trùng: các loại ký sinh trùng có thể gây tiêu chảy là Entamoeba hítolytica, Giardia lambia, Cryptosporidium.

Chế độ ăn uống: chế độ ăn uống không phù hợp có thể khiến cho tình trạng tiêu chảy ở trẻ kéo dài hơn. Hạn chế ăn uống, ăn kiêng kéo dài khi trẻ bị tiêu chảy cấp.

Thuốc kháng sinh: việc sử dụng thuốc không đúng cách, không đúng liều lượng có thể khiến trẻ bị ngộ độc, niêm mạc ruột bị tổn thương, khả năng đào thải vi khuẩn giảm dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài. Sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy làm giảm khả năng đào thải vi khuẩn.

Người ta nhận thấy các trẻ thường xuyên mắc nhiều đợt tiêu chảy cấp hoặc trong tiền sử bị mắc tiêu chảy kéo dài có tỷ lệ mắc tiêu chảy kéo dài nhiều hơn

Các bệnh lý khác như nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiết niệu, viêm tai giữa, viêm tắc ruột, hội chứng ruột kích thích kéo dài có thể kéo theo tiêu chảy kéo dài ở trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy kéo dài

Mẹ cần quan sát khi bé có dấu hiệu dưới đây thì bé đã bị tiêu chảy kéo dài và cần cơ phương án xử lý kịp thời:

Số lần đi ngoài tăng giảm liên tục, trẻ đi ngoài nhiều hơn 3 lần/ngày và kéo dài trên 14 ngày.

Phân nhiều nước, lúc loãng, lúc đặc, có bọt, nhầy, lổn nhổn, mùi chua, màu vàng hoặc xanh, có thể có lẫn ít máu.

Trẻ bước sang giai đoạn mất nước, thường xuyên quấy khóc, khát nước, miệng khô khốc, da khô, nhăn nheo, thóp lõm xuống, mắt trũng.

Trẻ biếng ăn, sụt cân, da xanh, ít vận động, mệt mỏi.

Các nhiễm trùng phối hợp như viêm tai, nhiễm khuẩn đường hô hấp chưa được chữa khỏi.

Bé bị tiêu chảy lâu ngày có nguy hiểm không?

Thông thường chỉ sau 1-2 ngày tiêu chảy trẻ đã bị mất nước. Trẻ bị tiêu chảy kéo dài bị mất nước và điện giải nếu không được bù lại kịp thời sẽ rất nguy hiểm, trẻ có thể sốc mất nước, rối loạn tri giác, suy hô hấp, suy tim, ảnh hưởng đến tính mạng.

Tiêu chảy kéo dài khiến trẻ mất đi lượng vitamin và các yếu tố vi lượng cần thiết, làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, làm cho bé bị sut cân nhanh và gầy yếu.

Nguy cơ nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng huyết cũng tăng thêm khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài. 

Tiêu chảy kéo dài ở trẻ rất nguy hiểm, chính vì vậy khi phát hiện ra trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần có những phương án xử lý kịp thời hoặc đưa ngay bé đến các cơ sở y tế. 

Điều trị tiêu chảy lâu ngày cho trẻ

Đưa ngay bé đến các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân tiêu chảy của bé là do vi khuẩn hay virus để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cũng như kê đơn thuốc cho trẻ. Nếu trẻ tiêu chảy do virus gây ra thì không cần sử dụng kháng sinh. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc kháng tiêu chảy cũng không cần thiết vì nó có thể gây ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và làm chậm quá trình điều trị của bác sĩ.

Bù nước và điện giải bằng cách cho bé bú mẹ nhiều hơn, uống thêm nước lọc, nước cháo, nước cơm, nước canh… Nếu trẻ không chịu uống cần theo dõi để có hướng xử lý như truyền tĩnh mạch.

Giảm tạm thời số lượng sữa động vật hoặc đường lactose trong sữa, trong chế độ ăn để tránh tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.

Chế độ ăn đồ mềm, lỏng, nhuyễn để phục hồi niêm mạc ruột, bổ sung nguồn dinh dưỡng từ thức ăn cho trẻ.

Nhiều chế độ ăn đã được nghiên cứu thành công như: bột ngũ cốc thêm dầu, rau và thịt gà nghiền, đậu hạt ninh nhừ, đậu nành. Ít nhất 50% năng lượng cho trẻ từ thức ăn sam. 50% năng lượng còn lại từ sữa hoặc các sản phẩm sữa.

Cung cấp cho trẻ đầy đủ năng lượng cho trẻ giúp trẻ phục hồi tổn thương niêm mạc ruột, bù lại lượng dinh dưỡng đã mất đi.

Tránh xa các chất khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn như đồ uống có nhiều đường, đồ uống có gas, chất béo, thức ăn thô, thức ăn nhiều đường.

Cung cấp vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B, C, A, D, K, E và các yếu tố vi lượng như sắt, kẽm, đồng, acid folic... giúp cơ thể trẻ nhanh chóng phục hồi và tránh tiêu chảy tái phát.

Cách phòng tránh tiêu chảy lâu ngày ở trẻ.

Cha mẹ cần có biện pháp phòng tránh bệnh tiêu chảy kéo dài hiệu quả để trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và phát triển tốt:

Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu tiêu chảy là phải có phương án xử lý luôn, không để dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài. 

Cho trẻ ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, thức ăn không hợp vệ sinh,  thức ăn chế biến từ thực phẩm nhiễm bệnh, không ăn quá nhiều thức ăn lên men chua như dưa, cà, kim chi…

Sử dụng nguồn nước sạch, rửa kỹ tay trước khi chăm sóc và cho trẻ ăn.

Hạn chế sử dụng kháng sinh nhiều vì có thể dẫn đến nhờn thuốc. 

Vệ sinh sạch sẽ tay chân cho trẻ thường xuyên, đồng thời vệ sinh cả những đồ chơi mà con hay tiếp xúc.

Không để bé vui chơi ở những nơi bẩn, nhiều bùn đất, giữ trẻ tránh xa khỏi những nguồn lây nhiễm như phân của trẻ mắc tiêu chảy, vi khuẩn, virus gây bệnh…

Tiêm phòng Rotavirus, sởi…đầy đủ và đúng lịch giúp phòng chống tiêu chảy ở trẻ, cũng như phòng các bệnh khác có thể dẫn đến tiêu chảy ở trẻ, tăng sức đề kháng cơ thể.

Lời khuyên cho cha mẹ 

Bé bị tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn,bố mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. 

Trên đây là những kiến thức giúp cha mẹ có thể chăm sóc trẻ bị tiêu chảy kéo dài đúng cách. Hi vọng những thông tin trên hữu ích cho bạn đọc.

 

Bài viết liên quan